Xã hội

Dân kêu trời vì dự án cứu hộ, cứu nạn

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc “dậm chân tại chỗ” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhiều hộ dân…

Đã hơn 5 năm từ khi khởi công nhưng đến nay, Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc chỉ mới thi công được phần thô cầu vượt đường sắt và một số hạng mục khác. Dự án “dậm chân tại chỗ” đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhiều hộ dân…

Dự án cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc ngừng thi công do thiếu nguồn vốn.

“Mỏi cổ” chờ đền bù

Dự án đường Phong Điền - Điền Lộc nối QL1 đoạn qua thị trấn Phong Điền đến xã Điền Lộc (thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) được đầu tư và khởi công xây dựng từ năm 2012.

Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng 5 cầu, gồm 1 cầu lớn, 4 cầu trung, trong đó cầu vượt đường sắt dài hơn 66m, khổ rộng 31m; riêng 3km đi qua thị trấn Phong Điền được mở rộng 36m, gồm 2 làn; nối liền với QL1A, QL49B, tỉnh lộ 4 và nhiều tuyến đường dân sinh khác ở địa bàn huyện Phong Điền...

Dự án có tổng chiều dài 16,5km với kinh phí đầu tư lên đến gần 672 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (QLDA) tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ khi khởi công, công trình chỉ mới xây dựng phần thô cầu vượt đường sắt ở khu vực thuộc thị trấn Phong Điền và hoàn thành kiểm kê, giải tỏa đất nông nghiệp...

Từ năm 2015, dự án không được bố trí thêm vốn nên đã dừng thi công. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp đối với các địa phương vùng ven biển, đầm phá huyện Phong Điền.

Vì vậy, việc dự án chậm trễ đã khiến các hộ dân ở thôn Nhất Phong (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) nằm trong vùng bị thu hồi đất, tái định cư gặp nhiều khó khăn…

Anh Nguyễn Văn Vũ (thôn Nhất Phong) cho biết, đã chờ đợi hơn 5 năm nhưng người dân chúng tôi vẫn chưa được nhận tiền đền bù mặc dù các cơ quan đã đo đạc diện tích đất vườn, ruộng.

Chia sẻ về những bức xúc khi dự án thi công dang dở, bà Trần Thị Bẻo (thôn Nhất Phong) cho hay: “Nhà tôi có hơn 1.000m2 đất, giá đền bù khoảng 350 triệu đồng. Đất đai, cây cối và nhà cửa được kiểm kê từ năm 2009. Nhưng sau khi dự án dừng thi công, gia đình tôi không dám xây nhà mới để ở. Ngôi nhà ở hiện nay đã xây dựng từ rất lâu, bị xuống cấp trầm trọng.

Trong khi mùa mưa bão đến, chúng tôi phải sống thấp thỏm, lo âu trong những mái nhà xiêu vẹo. Nếu dự án tiếp tục thi công thì cần đền bù thỏa đáng và di dời người dân chúng tôi. Còn nếu dự án ngừng thi công thì để dân chúng tôi sửa sang, xây dựng lại nhà để sinh sống”.

Vẫn chờ bố trí tiếp nguồn vốn

Xã Phong Chương có 124 hộ dân có đất và tài sản bị ảnh hưởng, trong đó đất nông nghiệp 3,3ha của 61 hộ dân; đất lâm nghiệp 7,1ha của 54 hộ dân và đất ở của 9 hộ dân đã được kiểm kê, áp giá. Hiện đã chi trả tiền đền bù cho đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, còn lại 9 hộ với 0,9ha đất ở bị thu hồi nằm trong diện di dời tái định cư.

Ông Nguyễn Minh Cần - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết: 9 hộ dân ở thôn Nhất Phong thuộc diện di dời đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù để tái định cư với mức từ 200-300 triệu đồng/hộ do dự án kéo dài. Trong khi đó, xã cũng đã bố trí quỹ đất để phục vụ xây dựng khu tái định cư cho dự án.

“Tại các cuộc tiếp dân và các cuộc họp, chúng tôi đã đưa kiến nghị lên cấp trên nhưng đâu vẫn vào đấy. Mong dự án nhanh chóng triển khai để bà con được trở lại cuộc sống bình thường và ổn định sản xuất...”, ông Cấn nói.

Ông Nguyễn Văn CườngPhó Giám đốc Ban QLDA tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Dự án được cấp vốn ban đầu khoảng hơn 100 tỷ đồng và hiện chỉ mới thực hiện xây dựng phần thô cầu vượt đường sắt ở khu vực thị trấn Phong Điền và 5km nền đường, thảm xong 3km đường từ cầu vượt đường sắt, thị trấn Phong Điền đến gần tỉnh lộ 4...

“Do không bố trí được nguồn vốn tiếp nên dự án đã dừng thi công, điều này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Mới đây, tỉnh đã bố trí thêm 10 tỷ đồng cho dự án này.

Trong đó, riêng tuyến Phong Điền - Điền Lộc sẽ tập trung thi công đoạn tiếp theo đi qua thị trấn Phong Điền và được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Hiện chủ đầu tư đã có tờ trình thẩm định nguồn vốn ở Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí thêm vốn để giải quyết việc đền bù, di dời cho người dân cũng như dự án tiếp tục thi công”, ông Cường thông tin thêm.

Tác giả: Thùy Nhung

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP