Thế giới

Đài Loan mở rộng điều tra vụ du khách Việt "mất tích"

Cơ quan Di trú Đài Loan (NIA) hôm 27-12 cho biết họ đã tìm thấy 14 trong số 148 du khách Việt Nam "mất tích" sau khi đến vùng lãnh thổ này vào cuối tuần rồi

Ban đầu, NIA nói có 152 du khách Việt "mất tích" nhưng sau khi điều tra thì đã liên lạc được với 1 người trong số này, còn 3 người khác đã rời Đài Loan. Vì vậy, số du khách Việt "mất tích" dừng lại ở 148 người.

Huy động 700 người điều tra

Theo Liberty Times, 14 người vừa được tìm thấy tại các huyện Gia Nghĩa, Chương Hóa, Tân Trúc, TP Cao Hùng, TP Đào Viên… và đang bị Văn phòng Công tố quận Cao Hùng (TP Cao Hùng) điều tra với cáo buộc vi phạm Đạo luật Phòng chống buôn người, Luật Di trú và Đạo luật Hướng dẫn việc làm.

Các du khách được tìm thấy tại huyện Gia Nghĩa - Đài Loan (Ảnh: CƠ QUAN DI TRÚ ĐÀI LOAN)

Trong số du khách tìm được, theo báo Apple Daily, có người nói rằng họ đến Đài Loan để thăm người thân song cũng có người thừa nhận đến đây để lao động bất hợp pháp. Trang ET Today cho biết hiện chính quyền Đài Loan cho triển khai 4 đội tìm kiếm ở nhiều thành phố gồm Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam, với khoảng 700 người tham gia điều tra. Vụ việc đã gây xôn xao trong cộng đồng người Việt tại Đài Loan. Một số nhóm (group) trên Facebook những ngày qua liên tục cập nhật tình hình, kêu gọi thành viên cẩn thận, luôn mang theo giấy tờ tùy thân khi ra ngoài, đặc biệt là thẻ cư trú. Người dùng "Phuong Mia" dặn dò: "Hai ngày nay đã có rất nhiều trường hợp bị kiểm tra giấy tờ khi đang lái xe. Đi nộp phạt hộ khách mà như đứt từng khúc ruột. 6.000 Đài tệ bằng 1/3 tháng lương rồi còn gì".

Về những rủi ro của việc lao động bất hợp pháp, chị T. (thư ký của một công ty có trụ sở tại Đài Bắc) chia sẻ với Báo Người Lao Động rằng lao động Việt Nam trước khi qua Đài Loan thường thanh toán phí môi giới khoảng 5.000 - 7.000 USD. Sau khi qua Đài Loan làm, mỗi tháng họ sẽ phải trả 3.000 - 3.800 Đài tệ (100 - 125 USD) cho công ty môi giới nên từ năm thứ 2 hoặc 3, họ mới có thể để dành được tiền. Vì vậy, nhiều công nhân đã bỏ trốn, chấp nhận lao động chui "trong" các công ty mà không được đóng bảo hiểm, dễ gặp tai nạn. Trong trường hợp bị bắt, họ sẽ lập tức bị trục xuất về nước nếu có đủ tiền mua vé máy bay; nếu không, họ phải lao động trong điều kiện bị giám sát cho đến khi đủ tiền mua vé. Cũng theo chị T., người Đài Loan chủ yếu mất thiện cảm với người Việt Nam vì những lao động dạng này.

Vẫn tiếp nhận hồ sơ xin cấp thị thực du lịch

Có mặt tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM chiều 27-12, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận hoạt động tiếp nhận hồ sơ xin thị thực du lịch Đài Loan vẫn diễn ra bình thường.

Trong phòng làm thủ tục, một phụ nữ trung niên giấu tên cho biết bà đến từ tỉnh An Giang và đang chờ làm thị thực sang thăm con gái lấy chồng Đài Loan và đang ở TP Đài Nam. Khi được hỏi có biết thông tin về đoàn du khách Việt Nam "mất tích" tại Đài Loan hay không, bà nói có nghe qua báo chí nhưng việc xin thị thực du lịch cá nhân của mình không gặp trở ngại gì. Trong khi đó, theo tờ Taipei Times (Đài Loan), Cục trưởng Cục Du lịch Đài Loan Chou Yung-hui hôm 26-12 cho biết chính quyền hòn đảo này sẽ xem xét lại chương trình Quan Hồng. Hiện thời, theo ông Chou, du khách vẫn có thể đến Đài Loan thông qua chương trình nhưng thủ tục kiểm tra thị thực sẽ được thắt chặt. "Những gì xảy ra tuần rồi chỉ là một vụ việc đơn lẻ. Vẫn có các nhóm tour du lịch chất lượng và chúng ta không nên đánh giá tiêu cực chương trình. Cơ quan Di trú vẫn cần điều tra vụ việc và chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp để xử lý những tình huống tương tự" - Cục Du lịch Đài Loan cho biết.

Cuối ngày 27-12, thông tin từ các công ty du lịch lớn tại TP HCM cho biết vẫn chưa nhận được văn bản chính thức liên quan đến việc thay đổi chính sách visa. Trong 2 ngày qua, các công ty du lịch vẫn nộp hồ sơ xin cấp visa tới Đài Loan bình thường. Riêng với Chương trình Quan Hồng, các công ty du lịch ở TP HCM vẫn tiếp tục được áp dụng và cũng chưa có sự thay đổi. Chương trình này được Đài Loan áp dụng từ năm 2015 nhằm thu hút thêm du khách quốc tế. Theo đó, chương trình cho phép các đoàn du lịch từ 5 người trở lên và đến từ 6 nước (Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào, Ấn Độ) được xin visa điện tử thông qua các công ty du lịch chất lượng được cơ quan du lịch Đài Loan cấp phép mà không cần chứng minh tài chính. "Với những công ty du lịch lớn, uy tín, thường xuyên đưa du khách qua Đài Loan, cơ quan du lịch của thị trường này sẽ gửi văn bản cụ thể nếu thay đổi chính sách visa", đại diện Công ty TST Tourist giải thích.

Trong khi đó, Sở Du lịch TP HCM cho biết sau 2 buổi làm việc với Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế xung quanh việc công ty này cung cấp dịch vụ visa cho các du khách Việt hiện "mất tích" tại Đài Loan, công ty đã cung cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ liên quan chứng minh tính hợp pháp của việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ visa giữa Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế với Công ty ETholiday của Đài Loan và 2 công ty tổ chức đoàn đi (Công ty TNHH Twin Bright, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Golden Travel, trụ sở ở TP Hà Nội) thì chưa cung cấp được. Do đó, Thanh tra Sở Du lịch TP đã tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của công ty này.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo trong 7 ngày

Chiều 27-12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) báo cáo về vụ việc 152 du khách Việt được cho là bỏ trốn tại Đài Loan. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cho biết Thanh tra của bộ cũng như Tổng cục Du lịch đã phối hợp với TP HCM và Hà Nội tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp liên quan trong vụ việc này. Bộ đã làm việc với Phòng Kinh tế Đài Bắc tại Hà Nội, trao đổi về vụ việc, trong đó có nội dung về bảo đảm việc du lịch của du khách Việt sang Đài Loan khi mà từ nay đến Tết nguyên đán có nhiều hợp đồng du lịch đã được ký kết. Bộ đã thông báo ý kiến đối với các địa phương có công ty lữ hành đưa khách du lịch sang Đài Loan rà soát tất cả giấy phép xin visa trong thời gian tới; gửi công văn sang Bộ Công an để xem xét, điều tra dấu hiệu đưa người Việt Nam trái phép ra nước ngoài. Về vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL kiểm tra, xử lý nghiêm, báo cáo Chính phủ kết quả xử lý trong vòng 7 ngày.

Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng Đài Loan điều tra, xử lý vụ việc. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tiếp tục trao đổi với cơ quan chức năng sở tại để nắm thông tin nhân thân và tiến hành thăm lãnh sự những trường hợp bị tạm giữ.

T.Dũng - D.Ngọc

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP