Du lịch

Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn

Du lịch đang ngày càng thể hiện vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng, thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện môi trường sống…

Tăng cường, làm mới các dịch vụ sẽ làm đa dạng sản phẩm du lịch. Ảnh: TRIỀU PHẠM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển

Với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2008 là dấu mốc quan trọng khi thành phố quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng tại bán đảo Sơn Trà, bãi tắm du lịch kiểu mẫu Mỹ Khê và T19; từ đây thu hút lượng lớn khách đến với Đà Nẵng, trong đó thị trường khách du lịch quốc tế vượt trội với lượng khách du lịch đường bộ Thái Lan đến Đà Nẵng đạt từ 20.000 - 30.000 khách/năm.

Giai đoạn này, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện các thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao…

Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cho rằng, sự phát triển không ngừng của cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất đã đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng.

Nhiều khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp và bổ sung thêm nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như khu làng Pháp của Khu du lịch Bà Nà Hills, các hoạt động mới của Công viên châu Á, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu giải trí Helio Center.

Du lịch nghỉ dưỡng biển được phát triển theo hướng mở rộng cung ứng các dịch vụ vui chơi thể thao biển như: canô, dù kéo, jetski, kayak, lặn biển…, kết hợp với hàng loạt khu nghỉ mát, biệt thự cao cấp dọc tuyến biển cung cấp những dịch vụ ngày càng hoàn thiện cho du khách…

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang phấn đấu trở thành một thành phố du lịch năng động, hiện đại và môi trường với chiến lược phát triển các chuỗi sự kiện, lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế như: lễ hội pháo hoa quốc tế; cuộc thi marathon quốc tế; cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race; Đại hội Thể thao bãi biển châu Á; Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E; Đại hội Du lịch Golf châu Á 2017… và hướng đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của khoảng 10.000 đại biểu, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên báo chí, 5.000 đại diện doanh nghiệp, các đại biểu không chính thức đến Đà Nẵng.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư, môi trường du lịch bảo đảm, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng nhanh và bền vững.

Hình thành sản phẩm du lịch chủ lực

Từ sự cố gắng không ngừng của ngành du lịch thành phố, Đà Nẵng liên tục được các tạp chí, trang thông tin điện tử uy tín của thế giới bình chọn, đánh giá cao. Theo mục tiêu, năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón 8,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 6 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đến năm 2020 đạt 27.400 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 19%, đến năm 2020 tạo việc làm cho hơn 35.289 người lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, đại diện một số đơn vị lữ hành cho rằng, hiện nay, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường tàu biển ngày càng đông, thành phố cần hoàn thiện và nâng cấp các dịch vụ để Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tàu biển và du thuyền quốc tế; đồng thời phối hợp với các địa phương khu vực miền Trung trong việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng nhìn nhận, cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch; tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng về du lịch cho các khách sạn, nhà hàng, nghiệp vụ bán sản phẩm, tiếp thị du lịch, đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên.

Nâng cao chất lượng phục vụ của các khách sạn, nhà hàng, khu điểm du lịch…, hướng tới mục tiêu giữ khách lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn bằng việc tạo ấn tượng về một điểm đến hấp dẫn, dịch vụ tốt, an toàn và thân thiện. Tiếp tục thu hút và mở thêm các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó ưu tiên các đường bay từ châu Âu, châu Úc, châu Mỹ và các thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Theo ông Ngô Quang Vinh, ngành sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng thông qua việc tập trung hình thành các sản phẩm du lịch chủ lực, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và có sức cạnh tranh cao; gắn kết chặt chẽ với ngành hàng không và doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực và nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá.

Đặc biệt, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng là cơ hội rất lớn để giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành phố đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Ngành du lịch đã và đang tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, đặc biệt là triển khai kế hoạch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến Đà Nẵng năng động với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, con người thân thiện, những nét văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng đến với 21 nền kinh tế APEC bằng các hình thức như: video clip quảng bá, clip giới thiệu về các sự kiện và hoạt động phụ trợ trong thời gian diễn ra APEC, truyền thông trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế; đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng nhanh và bền vững.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP