Tin địa phương

Đà Nẵng: Tình trạng buôn lậu gia tăng

Những tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng của thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác truy quét, xử lý hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Song, số vụ vi phạm vẫn có xu hướng tăng, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đang ngày càng tinh vi và manh động hơn.

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố (Ban chỉ đạo 389/TP), thị trường Đà Nẵng luôn sôi động nhờ có đông lượng khách du lịch và các sự kiện lớn mang tính khu vực cũng như quốc tế.

Đa chủng loại hàng hóa vi phạm bị các ngành chức năng Đà Nẵng tịch thu, tiêu hủy.

Hoạt động đa tuyến

Ban chỉ đạo 389/TP cho rằng, các đối tượng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao để đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào kinh doanh. Khác với những năm trước, các phương thức buôn lậu chỉ tập trung vào một số tuyến thiếu sự kiểm soát, giờ đây, bất cứ tuyến đường nào có khả năng đi lọt đều được các cá nhân, tổ chức làm ăn phi pháp nhắm tới. Cụ thể, trên tuyến khu vực biên giới biển nổi lên hoạt động buôn lậu xăng, dầu với số lượng lớn. Đó là vụ tàu Ji Xang (Mông Cổ) vận chuyển hơn 1,9 triệu lít dầu diesel không có giấy tờ hợp pháp đã bị xử lý gần 16 tỷ đồng. Trên các tuyến lưu thông, hàng hóa buôn lậu tập trung vào các nhóm hóa mỹ phẩm, linh kiện điện tử, công cụ hỗ trợ, thuốc lá điếu, đồ uống, thực phẩm, thực phẩm chức năng… Riêng với mặt hàng gas, các đối tượng sử dụng những nơi ít bị chú ý để tập kết và trung chuyển như vụ 8 kiện hàng bằng gỗ ép chứa 728 chai LPG bị chiếm giữ trái phép đã bị đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10 phát hiện tịch thu và xử lý vi phạm hơn 72 triệu đồng.

Mặc dù biết rất rõ mức xử lý đối với hàng cấm là rất nặng nhưng các đối tượng vẫn bất chấp thủ đoạn để chuyên chở qua địa bàn. Cụ thể, Công an quận Hải Châu phát hiện 34 bộ bình hút shisha, 164 gói đầu nhựa, 40 cây thuốc lá, 25 đầu hút thuốc lá điện tử của đối tượng buôn lậu người Đà Nẵng; đội QLTT số 2, Chi cục QLTT thành phố tịch thu, xử lý hơn 7.500 quả pháo điện của Trung Quốc sản xuất do tài xế xe Nam Định vận chuyển.

Gần đây, mặt hàng xe máy, ô-tô cũng được nhập về và có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế. Đơn cử, trong hai tháng 5 và 6-1017, lực lượng Công an đã kiểm tra hai ô-tô hiệu Toyota Camry XLE- BKS 51A601.24 và Toyota Camry Hybrid - BKS 29 LD 001.26 với trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng không có giấy tờ xuất xứ. Tương tự là vụ hai mô-tô phân khối lớn nhãn hiệu Ducati, Suzuki trị giá trên 500 triệu đồng không chứng minh được nguồn gốc bị tạm giữ để điều tra.

Trên tuyến đường sắt và tuyến đường hàng không, các đơn vị chống buôn lậu nhận định, hoạt động buôn lậu diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, chủ yếu là các nhóm mặt hàng đồ gia dụng, áo quần, giày dép thời trang, túi xách, linh kiện điện thoại, cần sa, ma túy, thuốc tân dược cấm nhập khẩu, văn hóa phẩm có nội dung phản động, đồi trụy. Mới đây, lực lượng Công an thành phố đã kiểm tra lô hàng gồm 39 kiện của Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Thăng Long tại kho hàng Sân bay quốc tế Đà Nẵng có chứa 300 lọ tân dược do nước ngoài sản xuất không có chứng từ.

Chủ động đánh chặn

Ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố cho biết: “Thời gian qua, có vô số thủ đoạn qua mắt lực lượng hải quan như nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm hoặc nộp, xuất trình chứng từ giả cho cơ quan hải quan. Một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để khai báo sai tên hàng, mã số hàng, không khai báo hàng nhập khẩu để gian lận, trốn thuế. Bên cạnh đó, lợi dụng loại hình quà biếu, tặng để gửi các loại cần sa, ma túy tổng hợp, thuốc tân dược thuộc danh mục cấm, văn hóa phản động vào Việt Nam… đã bị cán bộ Hải quan phát hiện và đánh chặn”.

Ông Trần Phước Trí, Phó Ban chỉ đạo 389/TP, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố nhấn mạnh: “Ngoài các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, khuyến cáo nhân dân về các tác hại của hành vi kinh doanh trái pháp luật, chúng tôi cho rằng, các lực lượng nòng cốt như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, QLTT, khoa học công nghệ cần tăng cường công tác phối kết hợp hơn nữa. Trên tinh thần đó, các thành viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin các vụ việc để nắm chắc tình hình, nắm chắc tuyến, địa bàn, đối tượng để chủ động, theo sát diễn biến. Qua đó, các ngành kịp thời tổ chức lực lượng, xây dựng biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, hàng giả…”.

6 tháng đầu năm 2017, Ban chỉ đạo 389 thành phố đã xử lý 5.457 vụ vi phạm các loại (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016) với tổng số tiền thu trên 105 tỷ đồng (tăng 142% so với cùng kỳ). Trong đó, hàng cấm, hàng nhập lậu 129 vụ; hàng giả, hàng kém chất lượng 86 vụ, gian lận thương mại trên 5.200 vụ; khởi tố 14/15 đối tượng. Số thu nửa đầu năm tăng “đột biến” do các ngành có số thu xử phạt cao như: ngành thuế trên 69 tỷ đồng; Bộ đội Biên phòng trên 14,6 tỷ đồng; quản lý thị trường trên 12 tỷ đồng; Hải quan trên 5,8 tỷ đồng; Công an trên 1 tỷ đồng.

(Nguồn: Ban chỉ đạo 389 thành phố)

Tác giả: Duyên Anh

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

  Từ khóa: buôn lậu , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP