Xã hội

Đà Nẵng: Con rể làm giả hồ sơ, âm mưu chiếm đất của mẹ vợ

Khi giải tỏa đền bù, lợi dụng mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Tham (SN 1933) già yếu và không biết chữ, người con rể là ông Trần Văn Minh đã làm giả toàn bộ giấy tờ, chiếm hết toàn bộ tiền đền bù và lô đất được cấp.

Theo đơn phản ánh của ông Huỳnh Văn Xí (SN 1967, trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng): Vào năm 2010, mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Tham (SN 1933) có nhận thông báo đền bù với 1 khoản đền bù hơn 800 triệu đồng cùng lô đất mặt tiền đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Sau khi toàn bộ đất đai và nhà cửa của gia đình bị giải tỏa để làm lại đường, chỉ có tên tôi và mẹ tôi trong sổ hộ khẩu nên khi thu hồi đất, gia đình được 2 lô phụ nằm ở đường 10,5 m và 5,5 m. Bản thân mẹ tôi không biết viết, không biết đọc chữ, còn tôi liên tục đi biển nên không ở nhà làm được các thủ tục liên quan.

Bà Nguyễn Thị Tham và con trai ruột là ông Huỳnh Văn Xí trình bày sự việc trước các phóng viên.

Trong thời gian này, người em rể tôi là ông Trần Văn Minh đã tự cầm hồ sơ của mẹ tôi, đồng thời làm giả chữ ký làm thủ tục để nhận toàn bộ số tiền đền bù và lô đất mang tên mẹ tôi. Sau đó, ông Trần Văn Minh tự ý làm giấy tờ bán đất rồi nói bù thêm số tiền 800 triệu vốn là tiền đền bù giải tỏa của gia đình, mới đổi được về lô đất 14B Hà Huy Tập. Cả gia đình không hề hay biết. Tất cả hồ sơ, giấy tờ đều do ông Trần Văn Minh tự ý sắp xếp mà không cho gia đình tôi biết. Ngay cả sổ hộ khẩu cũng bị ông Minh giữ mãi đến giữa năm 2016 mới trả cho gia đình. Toàn bộ sự việc bán đất đã diễn ra được 5 năm, giờ cả gia đình té ngửa, bởi mỗi lần hỏi hồ sơ đất đai được đền bù, sổ hộ khẩu, anh Minh năm lần bảy lượt lảng tránh, nói rằng lô đất vẫn còn ở đó chứ "có đi đâu mà sợ”.

Gia đình ông Xí bức xúc hơn khi phát hiện thêm một số giấy tờ công chứng tại văn phòng công chứng số 1 (thuộc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng), hồ sơ công chứng có dấu hiệu giả mạo chữ ký của bà Nguyễn Thị Tham.

Bà Tham chia sẻ: Tôi từ nhỏ đã không biết đọc, biết viết. Ở đây, ai cũng biết việc này. Khi chúng tôi gửi đơn kiện, người con rể dọa lấy lại căn nhà này vì đây là đất của nó. Sau khi con rể tôi lừa lấy chữ ký, giả làm hồ sơ đất đai, gia đình tôi bị lấy hết đất. Tôi cũng khẳng định tôi chưa từng điểm chỉ lấy bất cứ giấy tờ nào hay đồng ý bán đất thông qua ông Trần Văn Minh. Ngay việc lên phòng công chứng để thỏa thuận bán đất, điểm chỉ lên hồ sơ giấy tờ là không hề có.

Ông Xí cho biết: Trong khi mẹ tôi không hề biết đọc, biết viết chữ thì làm sao ký được. Ngay trong bộ hồ sơ công chứng cũng không có người giám hộ và người làm chứng, vì bà người lớn tuổi. Bản thân mẹ tôi cũng không tiến hành sang nhượng đất cho bất cứ ai. Tôi là người con trai sống cạnh mẹ, cũng chưa nhận được bất cứ yêu cầu gì về việc mua bán đất và sang nhượng giấy tờ.

Nếu như việc giả mạo chữ ký, hay lợi dụng người già để lấy dấu vân tay không có người giám hộ của ông Trần Văn Minh không có sự việc thông đồng từ Trưởng phòng công chứng số 1 Huỳnh Bá Hảo tiếp tay thì liệu việc mua bán chuyển nhượng này thực hiện trót lọt một cách dễ dàng?

Theo hồ sơ chúng tôi có được thì trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà gia đình ông Xí tố cáo có giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Tham được lập vào ngày 30/3/2012 hiện còn lưu giữ tại Phòng công chứng số 1 xuất hiện hai dòng chữ khác màu: "lấy cký (chữ ký - PV), điểm chỉ ngày 29/3/2012" và "ngón trỏ phải của bà Nguyễn Thị Tham", đều do Trưởng phòng công chứng số 1 Huỳnh Bá Hảo ghi thêm vào.

Hồ sơ công chứng có phần ghi thêm vào của Phòng công chứng số 1 (Sở Tư pháp TP Đà Nẵng).

Trong khi đó, cũng bản công chứng như trên mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thanh Khê, do Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Anh Hào xác nhận, lại không hề có hai dòng chữ như trên do ông Huỳnh Bá Hảo ghi thêm vào như trong hồ sơ công chứng còn lưu ở Phòng công chứng số 1.

Ông Xí bức xúc: “Ông Hảo đã không trung thực khi cho rằng mẹ tôi đã điểm chỉ tại tại Phòng công chứng bởi thực tế bà chưa bao giờ đặt chân đến Phòng công chứng thì lấy gì mà điểm chỉ. Thế nhưng, ông Hảo cho rằng dấu vân tay là của mẹ tôi và thực hiện ở phòng công chứng.

Trả lời về nội dung này ông Huỳnh Bá Hảo thừa nhận: "Mình có ghi thêm trong bộ hồ sơ thời gian để lưu. Bởi một bộ hồ sơ công chứng thường được lưu ba bản. Mình lưu một bản, hai bản còn lại gửi cho hai bên. Bản lưu mình ghi thêm cho đầy đủ ngày tháng".

Ông Huỳnh Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, Trưởng phòng công chứng số 1 Đà Nẵng là người chịu trách nhiệm công chứng đối với hợp đồng mua bán chuyển nhượng trên.

Cách trả lời, cách làm của một người làm công tác công chứng như thế này thì liệu người dân sẽ nghĩ như thế nào?

Qua kiểm tra các hồ sơ liên quan, chỉ riêng hai trong số văn bản công chứng đã có nhiều chữ viết và chữ ký không đồng nhất, bản có bản không. Nếu như viết thay thì phải xác nhận là người viết thay và người viết thay này phải ghi rõ họ tên, đồng thời cũng là đại diện làm chứng cho bà Tham. Thế nhưng điều này đã được công chứng Huỳnh Bá Hảo dễ dàng bỏ qua.

Sự việc diễn ra đã 5 năm, cả gia đình bà Tham và ông Xí con trai gồm 9 thành viên đang sống ở căn nhà chưa đến 50m2 tại hẻm 119 Yên Khê 2 mà ông Trần Văn Minh cho ở nhờ.

Tác giả: Nguyễn Vũ

Nguồn tin: Báo Xây Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP