Ảnh minh họa: Espionage |
Ông Jules Silber sinh năm 1880 tại Đức. Ông dành phần lớn đời mình sống ở nước ngoài, trong đó có thời gian gia nhập quân đội Anh.
Ở tuổi thiếu niên, ông bắt đầu rời Đức để đến Nam Phi và Mỹ. Tại đây ông đã học nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Anh. Tuy sinh ra ở Đức, nhưng ông trông giống người Anh và sau này có khả năng nói tiếng Anh tuyệt vời.
Năm 1914, chiến tranh nổ ra giữa Anh và Đức đã khơi dậy lòng yêu nước của Silber. Điều đó thôi thúc ông tìm cách tốt nhất để giúp đỡ đất nước mình. Vì vậy, ông quyết định tới Anh với hộ chiếu của một quốc gia trung lập.
Khi gia nhập quân đội Anh năm 1917, ông được giữ vai trò là phiên dịch viên. Những đóng góp cho quân đội Anh đã nhanh chóng giúp ông chiếm được lòng tin và được trao một công việc trong văn phòng kiểm duyệt thư tín. Ở vị trí này, ông có thể thu thập thông tin hữu ích cho quân đội Đức mặc dù không hoạt động chính thức như một điệp viên.
Là người kiểm duyệt tin tức ở khâu cuối cùng, Silber có thể tự do gửi đi những thông tin tình báo của mình. Để có được dấu của bưu điện, ông tự gửi cho mình những bức thư với con tem đánh dấu “Đã kiểm duyệt”. Sau đó ông dùng những phong bì thư với “cửa sổ trong suốt” có ghi sẵn địa chỉ này để đính vào bên trong những thông tin mật, thay đổi lại địa chỉ người nhận để gửi đến một quốc gia trung lập.
Silber cũng không bao giờ dùng một địa chỉ duy nhất, mà khéo léo đa dạng để tránh bị phát hiện.
Công việc của Silber khá căng thẳng và nguy hiểm khi ông không thể dễ dàng sao chép các thông tin mật trong quá trình kiểm duyệt. Để có thể chuyển tiếp thông tin mật cho người Đức, ông buộc phải ghi nhớ thông tin mật đó trong đầu trước khi chuyển hóa thành dạng văn bản thư tín. Ngoài ra, công việc ghi chép này cũng không diễn ra tại nhà riêng, ông thường phải thuê một căn phòng ở nơi khác để làm việc đó.
Một trong những công trạng lớn nhất mà Silber làm được cho quân đội Đức đó là cảnh báo về một kế hoạch giăng bẫy của quân đội Anh. Trong quá trình kiểm duyệt thư tín, ông đọc được lá thư của một cô gái gửi cho bạn nói rằng anh trai cô đang tham gia vào một phi vụ ngụy trang các tàu hàng cũ có lắp đặt các khẩu pháo để chống lại tàu ngầm Đức.
Căng thẳng và nguy hiểm là vậy, song may mắn là Silber chưa một lần bị phát hiện cho tới khi ông trở về Đức viết cuốn tự truyện kể về cuộc đời mình năm 1932. Với kỳ tích đó, ông được mệnh danh là điệp viên “chưa bao giờ bị lộ”.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí