Giáo dục

Chuyện ít biết sau những quyết sách lịch sử của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

TS Lê Đăng Doanh - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chia sẻ những​ quyết sách​ lịch sử​ để đưa Việt Nam hội nhập thế giới của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Cầu thị và cẩn trọng

Khi nhận xét về tác phong làm việc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, những chuyên gia, những người có điều kiện gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với anh đều dùng hai từ “cầu thị” và “cẩn trọng”.

“Cầu thị” thể hiện ở việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thường xuyên lắng nghe ý kiến và coi trọng ý kiến tham vấn, đóng góp của người khác, của các chuyên gia; còn “cẩn trọng” là trước khi đặt bút ký mỗi quyết định, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đều tham khảo nhiều ý kiến, cân nhắc xem quyết định đó có lợi cho nước, cho dân hay không.

Từ Tổ tư vấn của Thủ tướng thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nâng cấp Tổ này lên thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và đưa Ban Nghiên cứu trở thành một bộ phận của Văn phòng Chính phủ, là bộ phận giúp việc riêng của Thủ tướng.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Mỹ, tiếp xúc với Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng năm 2005.

Điều quan trọng và ấn tượng sâu sắc với tôi nhất về Thủ tướng Phan Văn Khải là anh rất cầu thị, rất coi trọng và rất chăm chú lắng nghe những ý kiến đóng góp tư vấn của các thành viên trong Ban Nghiên cứu khi đó.

Thủ tướng Phan Văn Khải có một phong cách làm việc rất cẩn trọng, tất cả các nghị định, quyết định quan trọng trước khi Thủ tướng ký thì đều đưa ra cho chúng tôi cho bàn luận, nghiên cứu. Thủ tướng yêu cầu Ban nghiên cứu phải đóng góp ý kiến vào đấy xem xét lại văn bản đó đúng hay không”.

Khi đó, nhiều lúc các Phó Thủ tướng gửi văn bản, công văn lên Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng xem xét và ký ngay song anh Khải vẫn trả lời là để anh xem xét lại.

Cứ cuối giờ chiều hàng ngày, tầm khoảng 5h, Thủ tướng lại gửi công văn kèm bản sao văn bản mà các cơ quan đề nghị Thủ tướng ký đến Ban Nghiên cứu, kèm yêu cầu xem xét và trình Thủ tướng vào 6h30 hôm sau.

Những lúc ấy, anh em trong Ban nghiên cứu lại chia nhau ra để làm việc. Người thì xem xét góc độ pháp quy, người thì sửa câu chữ, người thì xem xét nội dung... Xem xét xong lại ngồi lại với nhau để thảo luận và đưa ra những ý kiến chung của cả Ban.

Có nhiều hôm, công việc nhiều, Ban Nghiên cứu phải làm việc thâu đêm... để kịp gửi lên Thủ tướng vào sáng hôm sau.

Sáng hôm sau, Ban Nghiên cứu gửi lên Thủ tướng toàn bộ bản sao dự thảo quyết định kèm với các ý kiến tư vấn của Ban khoảng 3 trang giấy A4.

Thủ tướng Phan Văn Khải xem xét xong, phê vào công văn trả lời người trình văn bản, hoặc đồng ý, hoặc cũng có khi yêu cầu người trình văn bản phải xem xét, chỉnh sửa lại.

Vì vậy, lúc ấy có một số người không hài lòng mà rất khó chịu về vai trò của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Nên khi đó mới có chuyện vui là Ban Nghiên cứu của Thủ tướng dưới mỗi công văn thường viết tắt là “BNC” thì có một số người trong Văn phòng Chính phủ khi đó đã giải thích “BNC” tức là “bọn ngáng chân”.

Ăn trưa cùng mọi người để nghe ý kiến tư vấn

Nếu như trước đó, anh Võ Văn Kiệt luôn luôn nhắc nhở chúng tôi là phải làm sao “cởi trói” được cho doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển thì đến thời anh Phan Văn Khải, anh luôn nhắc là làm sao phải đổi mới, phải có giải pháp phát huy được các thế mạnh, các tiềm năng của đất nước để tập trung cho phát triển, đưa đất nước đi lên.

Việc đưa các chỉ thị, công văn chỉ đạo điều hành các chỗ này chỗ khác, bao giờ anh Khải cũng rất tôn trọng ý kiến tham vấn, nhất là về lĩnh vực kinh tế, rằng nếu làm như vậy thì doanh nghiệp có lãi hay không và yêu cầu chúng tôi phải tính toán, phải xem xét rất cẩn thận.

Anh Khải trước khi ký bất kì quyết định gì cũng đều cân nhắc và tham vấn ý kiến của nhiều người. Đây là điều rất là quý.

Cả hai thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đều sử dụng đội ngũ tư vấn cũng như đặt vấn đề yêu cầu tham vấn rất cụ thể và chặt chẽ.

Tôi nhớ khi đó Ban Nghiên cứu của Thủ tướng thường có một bữa ăn trưa vào vào thứ 6 hàng tuần. Bữa trưa cũng là lúc các thành viên trong Ban gặp gỡ, trao đổi ý kiến công việc với nhau. Thủ tướng Phan Văn Khải thường dành thời gian cùng đến dự bữa trưa này để lắng nghe ý kiến mọi người.

Trong bữa ăn, mỗi người có khoảng 5 phút để đưa ra ý kiến. Ý kiến thường tập trung vào những vấn đề đang được quan tâm lúc ấy, sau đó mọi người thảo luận với nhau. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng tham gia thảo luận, rất gần gũi và thân tình.

Đối với tôi, có một kỷ niệm rất sâu sắc mà tôi không thể nào quên đó là khi Thủ tướng Phan Văn Khải ủng hộ việc thực hiện Luật Doanh nghiệp vào năm 1999.

Cần nói thêm là Luật này khi đó rất mới mẻ ở nước ta và khi mới ra đời thì đã bị chính các Bộ phản ứng lại, không ủng hộ. Do đó, khi đó cũng không ai thực hiện Luật này cả.

Sau khoảng một tháng thấy tình hình không có chuyển biến gì, anh Trần Đức Nguyên lúc đó là Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đã lên báo cáo trực tiếp với anh Khải về thực trạng đó.

Đồng thời, anh Nguyên cũng trình một văn bản đề nghị lên Thủ tướng với nội dung cần phải lập ra một tổ công tác đặc biệt trực thuộc và do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo để thúc đẩy các Bộ nghiêm chỉnh thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp thu ý kiến và lập tổ công tác ngay sau đó do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá làm tổ trưởng và tôi được phân công làm tổ phó thường trực.

Trong tổ còn có nhiều thành viên khác như Thứ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại... để cùng tham gia giám sát, tư vấn, đốc thúc các Bộ nghiêm túc thực thi bộ luật này.

Từ việc ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng chính là người đã rà soát và xóa bỏ 268 giấy phép con, “cởi trói” để cho doanh nghiệp khi ấy phát triển. Đây là một hành động rất là dũng cảm của người đứng đầu Chính phủ khi ấy.

Khi nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, những chuyên gia, những người có điều kiện gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với anh đều có chung nhận xét rằng anh là người bình dị, gần gũi và cũng rất cẩn trọng trong công việc.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người quyết định những bước rất quan trọng có tính chất lịch sử để đưa Việt Nam hội nhập với thế giới, đây là điều rất đáng ghi nhận và cũng là dấu ấn lớn nhất của anh Khải trong thời kì làm Thủ tướng.

Tác giả: TS LÊ ĐĂNG DOANH

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP