Kinh tế

Chưa có doanh nghiệp nội dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Việt Nam rất cần có doanh nghiệp nội để dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ thì mới tạo hiệu ứng lan tỏa và kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.

Nhà máy lắp ráp ô tô của Thaco Trường Hải. ẢNH: CHÍ HIẾU

Quan điểm trên được lãnh đạo Chính phủ đưa ra tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam diễn ra hôm nay, 19.12. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT tuy đã được cải thiện, nhưng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

“Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu vô cùng quan trọng, để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho CNHT. Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển CNHT trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn”, ông Dũng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, hiện đa số doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn vào thị trường CNHT trong nước mà chưa nhìn đến thị trường toàn cầu, trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng thì thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới.

“Các doanh nghiệp CNHT Việt Nam phải tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, đây là nhiệm vụ và cũng là giải pháp để có thể mở rộng phát triển”, ông Dũng nhân mạnh.

Phó thủ tướng cho hay, Chính phủ đã xác định CNHT là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển. Từ đó, tư duy chính sách cũng phải thay đổi từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, cần xác định được các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, chỉ rõ các doanh nghiệp dẫn đầu trong từng lĩnh vực, từ đó có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phát triển một số doanh nghiệp Việt Nam trở thành hạt nhân, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT trong nước phát triển.

Tuy nhiên, được coi là "bánh đà" của nền công nghiệp, song cả nước hiện chỉ có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 4,5% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo - một con số quá ít ỏi so với các nước trong khu vực.

Tác giả: Chí Hiếu

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP