Pháp luật

Vụ chiếm đoạt 860 tỷ: Cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng lĩnh 23 năm tù

Giúp đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng và nhiều doanh nghiệp, Đỗ Đức Hưng - cựu Giám đốc chi nhánh Agribank Hồng Hà - phải trả giá bằng bản án 23 năm tù.

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, sáng 18/4, HĐXX TAND Hà Nội đưa ra phán quyết với 11 bị cáo trong vụ chiếm đoạt hơn 860 tỷ đồng. 11 bị cáo bị tuyên từ 3 năm tù đến chung thân về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.

Trong đó, bị cáo Trịnh Khánh Hồng (50 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng (Công ty Tân Hồng) lĩnh chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: Vân Thanh.

Được xác định là người tiếp tay tích cực cho Hồng, Đỗ Đức Hưng (61 tuổi, cựu Giám đốc chi nhánh Agribank Hồng Hà) lĩnh 23 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc, do kinh doanh thua lỗ, Hồng đã lập dự án vay rồi chiếm đoạt của Agribank Hồng Hà 20,5 triệu USD (tương đương 380 tỷ đồng). Tài liệu điều tra thể hiện, Hồng đã chỉ đạo thuộc cấp ký các báo cáo tài chính sai sự thật đảm bảo khoản vay 20,7 triệu USD của Agribank Hồng Hà để trồng rừng nguyên liệu tại Nghệ An. Thực tế công ty này không có tài sản đảm bảo, không ký hợp đồng thế chấp tài sản, không có vốn tự có.

Bị cáo Hồng (đeo kính) tại tòa. Ảnh: Vân Thanh.

Lúc đó, Đỗ Đức Hưng ký tờ trình lên lãnh đạo ngân hàng để phê duyệt cho vay vượt mức phán quyết và được đồng ý.

Sau khi được giải ngân 20,5 triệu USD, Hồng đã sử dụng sai mục đích số tiền trên. Để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn, ông ta đã chỉ đạo bộ phận kế toán lập khống 965 phiếu chi tiền cho các hộ dân.

Ngoài ra, với sự giúp đỡ của đồng bọn là cán bộ ngân hàng, Hồng còn chiếm đoạt hơn 483 tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan chức năng xác định Đỗ Đức Hưng đã ký 15 chứng thư bảo lãnh thanh toán vượt quyền phán quyết, không có hồ sơ, không thu phí, không theo dõi trên hệ thống sổ sách, không đúng với quy định của Nhà nước cũng như của ngân hàng, qua đó tạo điều kiện cho Hồng chiếm đoạt tiền.

Tại tòa, Hồng khai do phát hiện mỏ vàng trên diện tích được giao trồng rừng nên ông ta chi gần hết số tiền được giải ngân vào việc khai thác vàng. Đối với hành vi sử dụng bảo lãnh của ngân hàng ký 15 hợp đồng kinh tế với 9 doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền, bị cáo Hồng cho rằng bản chất là vay vốn nhằm đảo nợ khoản vay trước.

Bị cáo Đỗ Đức Hưng cho rằng việc ký bảo lãnh là do tin tưởng Hồng. “Anh Hồng cam kết sẽ chịu trách nhiệm khi đến hạn trả nợ cho các doanh nghiệp và chứng minh là nhà máy bột giấy đã đi vào sản xuất, có 3 mỏ vàng được cấp phép…”, bị cáo Hưng nói.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy quá trình xét xử, các bị cáo tỏ ra ăn năn, hối cải, trong đó Hưng có nhân thân tốt, gia đình có người có công với cách mạng nên tuyên các bị cáo mức án trên.

Về phần dân sự, theo nhận định của HĐXX, Hồng phải có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng và doanh nghiệp số tiền đã chiếm đoạt. Bởi các hợp đồng ký với nhiều doanh nghiệp dựa trên chứng thư bảo lãnh của ngân hàng là vô hiệu vì có mục đích gian dối ngay từ đầu.

Tác giả: Vân Thanh

Nguồn: Zing

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP