Thế giới

Châu Á tái định hình ông Trump

Khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp trọng thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump liền xuống thang những lời lẽ cứng rắn mà ông phát biểu thời tranh cử.

Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra trong hỗn loạn. Đội ngũ Nhà Trắng liên tục cải tổ, còn nước Mỹ cũng bất ngờ bị xáo trộn bởi các sắc lệnh nhập cảnh mà ông Trump ban hành.

Về chính sách đối ngoại, Mỹ đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Khí hậu Paris. Các đồng minh của Mỹ trong NATO bị yêu cầu đóng góp thêm trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu công khai nhận xét có thể không cần dựa vào Mỹ nữa.

Duy chỉ một lĩnh vực mà những người chỉ trích lo rằng sẽ trở thành thảm họa dưới tay chính quyền ông Trump cho tới nay lại không xảy ra. Đó là chính sách của Mỹ với châu Á.

Diễn biến này đáng ngạc nhiên bởi khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump rất mạnh miệng hứa hẹn sẽ tái định hình chính sách ở châu Á. Ông từng gọi cả Trung Quốc và Nhật Bản là "thao túng tiền tệ" và đe dọa chiến tranh thương mại. Ông chỉ trích Hàn Quốc và Nhật Bản không trả đủ tiền cho "chiếc dù an ninh" của Mỹ. Ông tuyên bố sẽ xé bỏ thỏa thuận thương mại tự do 5 năm tuổi Mỹ - Hàn.

Thông thường, các đối thủ chính trị và giới phê bình sẽ chế nhạo những ai đổi giọng sau tranh cử. Nhưng trong trường hợp ông Trump, họ lại thở phào nhẹ nhõm khi ông không hiện thực hóa những lời đe dọa.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump nhấn mạnh: "Chúng ta không thể để Trung Quốc tiếp tục cưỡng hiếp nước mình. Đó là tên trộm lớn nhất lịch sử thế giới". Ứng cử viên Trump ngày đó nhiều lần cáo buộc Trung Quốc ăn cắp việc làm của Mỹ, tấn công mạng máy tính Mỹ và bịa ra chuyện biến đổi khí hậu để làm công ty Mỹ thua thiệt.

Nhưng Trung Quốc đã học được cách đối phó với người đàn ông này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đến thăm Mỹ đã nghỉ tại khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago và đem theo quà tặng là một số nhượng bộ thương mại, như dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ 14 năm qua.

Tiếp đó, trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, ông Trump được giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp đón như hoàng gia, đãi quốc yến trong Tử Cấm Thành - biến tổng thống Mỹ thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên nhận được vinh dự như vậy kể từ khi cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại quốc hội Hàn Quốc hồi cuối năm ngoái Ảnh: KYODO

Đổi lại những đối đãi trọng vọng này, ông Trump hạ nhiệt lời lẽ chỉ trích trước đây về chuyện Trung Quốc gian dối thương mại và thao túng tiền tệ. "Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc. Sao có thể đổ lỗi cho một nước vì họ tận dụng nước khác để đem lại lợi ích cho người dân mình?" - tổng thống Mỹ nói ở Bắc Kinh. Thay vào đó, ông Trump quy trách nhiệm cho những người tiền nhiệm ở Nhà Trắng vì đã để "thâm hụt thương mại vượt ngoài kiểm soát".

Tương tự, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sớm nhận ra cách kết giao với ông Trump. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016 và gầy dựng quan hệ thông qua môn golf. Sau đó, khi ông Trump thăm châu Á, ông Abe tặng tổng thống Mỹ chiếc nón bóng chày có dòng chữ "Donald và Shinzo" và "Làm liên minh vĩ đại hơn" (mang hơi hướm của chủ đề tranh cử của ông Trump "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Đối với Hàn Quốc, chính quyền ông Trump giờ đây chỉ muốn chỉnh sửa chút đỉnh hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn, hơn là xem xét toàn bộ hay cắt bỏ nó. Trong chặng dừng chân ngắn ở Seoul vào cuối năm ngoái, ông Trump tập trung thắt chặt liên minh quân sự mà ông từng coi thường và cảnh báo Triều Tiên nên phi hạt nhân hóa.

Ông Trump vẫn khó đoán và hay thay đổi, khiến nhiều chính sách của chính quyền ông mâu thuẫn và khó hiểu. Với Trung Quốc chẳng hạn, vừa ca ngợi tình bạn với ông Tập xong thì về lại Washington, ông Trump công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới, trong đó liệt kê Trung Quốc - cùng với Nga, Triều Tiên, Iran - vào danh sách các mối đe dọa chính của Mỹ. Dường như ông sẽ đánh thuế nặng nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc như thép, nhôm, máy giặt và pin năng lượng mặt trời trong năm 2018.

Triều Tiên là một ví dụ khác. Ông Trump liên tục tấn công cá nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khiến bầu không khí chiến tranh như bao trùm khu vực. Tuy nhiên, đằng sau những đôi co có phần trẻ con, ngoại giao thực sự đang được xúc tiến và điều này phản ánh sự tiếp nối với chính quyền tiền nhiệm trong việc dùng các liên minh quốc tế để giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Ngày 16-1 diễn ra hội nghị thượng đỉnh bàn về tình hình Triều Tiên ở Vancouver - Canada với 20 nước tham dự. Gần đây, ông Joseph Yun, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Triều Tiên, đã tới thăm các nước Đông Nam Á, gây sức ép lên cả Thái Lan và Myanmar để họ cắt đứt với Bình Nhưỡng.

Quan điểm của ông Trump về châu Á được điều chỉnh, qua đó cho thấy sức ảnh hưởng của các nhân vật dàn dạy kinh nghiệm trong Bộ Ngoại giao Mỹ, như ông Yin, cũng như trong giới chức quân sự, như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster.

Một khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump dường như cũng nhận ra mức độ phức tạp và bức bối của khu vực mà những người tiền nhiệm của ông từng đối mặt. Ông cần Trung Quốc và Hàn Quốc hỗ trợ để gây áp lực lên Triều Tiên, do đó đe dọa chiến tranh thương mại với họ không phải là cách làm đúng.

Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính sách trong nước, ông Trump gây nhiều hỗn loạn. Nhưng khi ông bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ, phần lớn người châu Á cảm thấy bớt căng thẳng. Có vẻ châu Á đã tái định hình một tổng thống Mỹ mới, hơn là ông tái định hình khu vực.

Tác giả: Hải Ngọc

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP