Tin địa phương

Chấn chỉnh việc kiểm soát giết mổ gia súc tại Đồng Hới (Quảng Bình)

Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua, hàng nghìn con lợn được giết mổ tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhưng không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Việc buông lỏng quản lý và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các lò mổ tự phát đã khiến người tiêu dùng trên địa bàn lo lắng về chất lượng của thực phẩm.

Tiêu thụ thịt lợn không qua kiểm soát

Tại TP Đồng Hới, có ba cơ sở giết mổ (GM) gia súc tập trung, trong đó có hai cơ sở của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương. Riêng cơ sở GM Hải Dương 1 ở phường Bắc Nghĩa trước đây trung bình mỗi ngày có hơn 100 con lợn được GM. Tuy nhiên, hơn hai tuần nay, không có người dân nào đem lợn tới đây mổ mà tự tổ chức GM tại gia đình, do bất đồng về giá dịch vụ GM giữa chủ cơ sở này và các hộ kinh doanh thịt lợn. Thay vì đưa vào lò mổ tập trung, các lò mổ tự phát được lập ngay tại nhà. Từ sáng sớm, chúng tôi chứng kiến tại nhà một số hộ chuyên GM ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, lò mổ tạm được lập ngay giữa sân, trên lối đi vào nhà bếp, hàng chục con lợn được GM công khai không bảo đảm vệ sinh, nhưng không hề có sự kiểm soát của lực lượng thú y và chính quyền địa phương. Lợn chưa qua kiểm dịch được đưa vào GM, thịt lợn không có dấu kiểm soát cũng được các thương lái chất lên xe đưa đến các chợ. Chị Mai Thị Phượng ở xã Đức Ninh cho biết: “Tại cơ sở GM của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương, giá dịch vụ GM một con lợn thịt tăng từ 30 nghìn lên 60 nghìn đồng, lợn nái từ 60 nghìn lên 120 nghìn đồng là quá cao. Hộ kinh doanh thịt lợn như chúng tôi không chấp nhận mức giá cao như vậy, cho nên phải về nhà làm. Dù việc GM gia súc tại nhà không bảo đảm an toàn vệ sinh, không được đóng dấu kiểm soát GM và ô nhiễm môi trường chung quanh, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”.

Theo thống kê của cơ quan thú y, tại TP Đồng Hới có 27 điểm GM gia súc tự phát không bảo đảm vệ sinh thú y đang hoạt động. Hằng ngày, hàng trăm ki-lô-gam thịt lợn không qua kiểm soát GM và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều bà nội trợ cũng bất ngờ với việc từ đầu tháng 10 đến nay, thịt lợn được bày bán tại hầu hết các chợ ở TP Đồng Hới đều không có dấu kiểm soát của cơ quan thú y. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Bắc Lý cho biết: “Chúng tôi thấy thịt lợn bày bán không được lăn dấu kiểm tra chất lượng cũng ngại, nhưng nghe nói lợn được mổ ở nhà bảo đảm chất lượng nên vẫn mua về dùng. Không biết vì sao cơ quan thú y và chính quyền địa phương không xử lý, để sự việc kéo dài”.

Thiếu thống nhất trong quản lý

Ngày 22-9-2017, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương có thông báo tăng giá dịch vụ GM lợn tại lò tập trung Hải Dương 1, tại phường Bắc Nghĩa từ 30 nghìn đồng/con lên 60 nghìn đồng/con, kể từ ngày 1-10-2017. Nguyên nhân của việc tăng giá dịch vụ được doanh nghiệp này đưa ra là để bù đắp các chi phí như điện, nước và tiền thuê đất. Mặt khác, việc làm này đã được Sở Tài chính Quảng Bình cho phép với lý do: giá GM lợn tại lò GM gia súc tập trung không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quy định giá của cơ quan nhà nước, mà thuộc thẩm quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Việc tăng giá dịch vụ của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương khiến các hộ kinh doanh thịt lợn bất đồng khi cho rằng mức giá như vậy là quá cao, họ làm không có lãi. Vì thế, tất cả các hộ kinh doanh đều rút ra khỏi cơ sở GM tập trung, tự lập lò mổ tại nhà, gây nên tình trạng lộn xộn và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới Nguyễn Đức Cường cho rằng, việc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương nâng giá dịch vụ GM lợn tại lò tập trung mà chưa được các hộ GM đồng ý, chưa có hướng dẫn cơ chế hiệp thương giá GM của Sở Tài chính là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Giá và quy định về quản lý nhà nước về giá trên địa bàn của UBND tỉnh Quảng Bình.

Theo chúng tôi, việc để xảy ra tình trạng không kiểm soát được hoạt động GM gia súc tập trung tại Đồng Hới hiện nay là do thiếu thống nhất trong công tác quản lý nhà nước của các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, trong Thông báo số 2955/TB-VPUBND ngày 24-8-2017 của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân tại cuộc họp về quy hoạch cơ sở GM gia súc tập trung là giao Sở Tài chính tham mưu hướng dẫn hiệp thương giá GM giữa chủ cơ sở với các hộ có gia súc đưa vào GM tập trung tại lò. Trong khi đó, ngày 8-9-2017, Sở Tài chính Quảng Bình lại có Văn bản số 2730/STC gửi Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương nêu rõ, giá dịch vụ GM lợn thuộc thẩm quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào văn bản này, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương tăng giá dịch vụ GM gia súc tập trung tại cơ sở của mình từ ngày 1-10-2017, từ đó gây nên sự phản ứng bằng cách tự lập lò mổ của các hộ kinh doanh GM gia súc, dẫn đến không kiểm soát được hoạt động GM và kinh doanh thịt lợn tại Đồng Hới.

Đề nghị các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần sớm giải quyết bất cập về giá dịch vụ GM ở lò mổ tập trung, chấn chỉnh công tác kiểm soát GM gia súc và vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Việc thỏa thuận về giá giữa chủ lò mổ và các cơ sở GM phải có cơ quan chức năng đứng ra dàn xếp. Đề nghị thành phố chỉ đạo, động viên các hộ đưa lợn vào lò mổ tập trung theo đúng quy định của Luật Thú y và chỉ đạo của UBND tỉnh.

NGUYỄN VĂN DƯƠNG
Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương

Đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Sở Tài chính sớm tổ chức hiệp thương giá dịch vụ GM tập trung giữa Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hải Dương với các hộ GM theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 23; khoản 2, Điều 24 Luật Giá năm 2012 nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách về GM gia súc tập trung.

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Tác giả: HOÀNG PHÚC

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP