Số hóa

Cáp quang biển AAG đã hoạt động ổn định

Sau hơn một tháng gặp sự cố, chiều qua (18/7) nhánh cáp AAG cuối cùng đã được sửa xong. Hiện tại toàn bộ tuyến cáp quang này đã hoạt động ổn định.

ẫn thông báo của trung tâm Điều hành tuyến cáp quang biển AAG, sáng 19/7, lãnh đạo của một nhà cung cấp dịch vụ internet cho phóng viên báo điện tử VietnamPlus biết, cáp quang biển AAG (America Gateway) đã hoạt động ổn định trở lại.

Cụ thể, vào khoảng 16h chiều ngày hôm qua (18/7), sự cố trên nhánh cáp S1H (phân đoạn Vũng Tàu - Brunei) tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 64,3km đã được sửa xong.

Cáp quang AAG đã sửa xong, internet đã ổn định (ảnh minh họa, nguồn: AFP)

Trước đó, trong một thông tin tới các nhà cung cấp dịch vụ internet, đơn vị điều hành AAG cho biết mối hàn đầu tiên sẽ bắt đầu vào 22h ngày 17/7, mối hàn cuối vào 3h ngày 21/7 và hoàn tất chôn cáp vào 5h ngày 22/7.

Như vậy, cáp AAG đã được sửa chữa xong trước khoảng 4 ngày so với dự kiến.

Sự cố trên tuyến cáp AAG lần này xảy ra vào sáng 16/6, gây ảnh hưởng chất lượng dịch vụ internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Tuyến cáp AAG có chiều dài 20.191km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).

Tờ Vietnam Plus nhận định, với cả sự cố này, năm 2018, AAG đã có ba lần trục trặc. Hai lần trước vào các ngày 6/1 và 22/5/2018.

Cáp quang biển AAG đã 5 lần gặp sự cố vào năm 2017 và 3 lần vào năm 2018.

Trước đó, tờ Người Lao Động tổng kết, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã gặp sự cố 5 lần trong năm 2017.

Lần đầu vào ngày 8/1/2017 với sự cố rò điện tại khu vực thuộc vùng biển Vũng Tàu, tới 26/1 mới sửa xong. Sự cố tiếp theo diễn ra ngày 18/2 kéo dài đến 49 ngày mới khắc phục xong. Đến ngày 27/8 AAG lại tiếp tục gặp sự cố và phải đến ngày 26/9 mới hoàn tất công tác khắc phục. Lần thứ tư là sự cố diễn ra ngày 12/10 và đến ngày 22/10 thì hoàn tất khắc phục.

Đặc biệt, lần thứ 5 xảy ra vào sáng 7/11/2017, ngay khi vừa bắt đầu Tuần lễ cấp cao APEC do Việt Nam đăng cai. Đại diện các ISP tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cho hay sau khi mất liên lạc trên tuyến, các nhà cung cấp đều triển khai ngay phương án dự phòng để đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ internet phục vụ Hội nghị APEC 2017 và cho người dùng.

Kể từ khi hoạt động, AAG nhiều lần gặp trục trặc, gây ảnh hưởng tới chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư thêm nhiều tuyến cáp mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào AAG.

Tờ Zing cho hay, trong bối cảnh AAG (Asia America Gateway) - tuyến cáp đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế những năm qua liên tục gặp sự cố, hồi cuối năm 2016, tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG) chính thức vận hành đã được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp kết nối mạng internet từ Việt Nam đi quốc tế nhanh và ổn định hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp biển AAG.

Dự án đầu tư hệ thống cáp quang biển APG thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)… và có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom.

Có chiều dài 10.400 km, tuyến cáp APG đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, kết nối các điểm tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tuyến cáp biển APG này cũng đã không ít lần gặp sự cố. Lần đầu tiên vào cuối năm 2016, vào ngày 31/12/2016 tại các vị trí gần Singapore và Chongming - Trung Quốc dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore trên tuyến cáp biển này. Và lần thứ hai vừa xảy ra vào 16h ngày 20/6/2017, cáp APG được xác định bị đứt tại vị trí cách trạm cập bờ Đà Nẵng 125 km.

Trước đó, ông Vũ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - bộ TT&TT đã cho rằng, để đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ Internet tại Việt Nam thì việc thiết lập nhiều hướng quốc tế khác nhau, có phương án dự phòng là việc làm cần thiết.

Tác giả: H.Y (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP