Kinh tế

Các quán ăn nổi tiếng sắp bị ngành thuế “sờ gáy”

Để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ khoán, cục thuế các địa phương sẽ lập danh sách đối tượng có dấu hiệu rủi ro, trong đó có hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh ngành nghề ăn uống, dịch vụ, có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động theo mô hình chuỗi với 2 địa điểm kinh doanh trở lên.

Những quán ăn nổi tiếng, có từ địa điểm kinh doanh trở lên sẽ rơi vào "tầm ngắm" thanh, kiểm tra thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa ký ban hành quyết định về việc ban hành kế hoạch chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh.

Một trong những mục đích của kế hoạch trên là đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ khoán, tránh lợi dụng núp bóng hộ khoán để sử dụng hóa đơn vào các mục đích bất hợp pháp.

Theo đó, tiêu chí để lập danh sách đối tượng rủi ro theo lãnh đạo ngành thuế là hộ kinh doanh có quy mô lớn, đáp ứng điều kiện lên doanh nghiệp nhưng chưa chuyển lên doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh ngành nghề ăn uống, dịch vụ có thương hiệu nổi tiếng, hoạt động theo mô hình chuỗi có 2 địa điểm kinh doanh trở lên, chuyển nhượng thương hiệu.

Ngoài ra, một số tiêu chí khác cũng được đề cập đến đó là những hộ kinh doanh sử dụng nhiều hóa đơn, hộ kinh doanh quy mô lớn tại chợ biên giới, hộ kinh doanh chuyên cung cấp máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất…

Tại quyết định này, lãnh đạo ngành thuế yêu cầu việc triển khai chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý trên được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và tập trung vào các thành phố, đô thị lớn.

Cụ thể, Tổng cục Thuế sẽ lựa chọn tối thiểu là 10 đơn vị kiểm tra trên địa bàn toàn quốc. Riêng Hà Nội và TPHCM, mỗi chi cục thuế được yêu cầu lựa chọn tối thiểu 10-15 đơn vị trên địa bàn. Một số cục thuế khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa,… mỗi chi cục chọn tối thiểu 5-10 đơn vị tại địa bàn đó để kiểm tra.

Danh sách đối tượng thuộc diện kiểm tra chống thất thu thuế sẽ được cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố phê duyệt. Ngoài ra, cục trưởng các cục thuế được đề nghị báo cáo UBND để chỉ đạo các cơ quan chức năng khác trên địa bàn phối hợp kiểm tra như: quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công an khu vực,…

Thời gian thực hiện chống thất thu bắt đầu từ tháng 8/2017 tới hết tháng 12/2017. Định kỳ ngày 15 từ tháng 9 tới hết năm, các cục thuế báo cáo danh sách đối tượng thuộc diện kiểm tra của tháng và kết quả kiểm tra cũng như vướng mắc phát sinh về Tổng cục Thuế.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP