Giới trẻ

Bố mẹ lo sẽ thành 'con nợ' khi con trai soạn bảng báo giá việc nhà

Bà mẹ ở Hà Nội phát hoảng vì việc nhà bị tính phí nhưng thừa nhận, từ khi có báo giá dịch vụ, con trai ý thức hơn hẳn.

Bảng báo giá việc nhà quy định chi tiết từng hạng mục của cu Bờm.

Mấy hôm nay, mỗi lần nghe điện thoại con trai gọi, chị Hà lại "tim đập thùm thụp" và "căng thẳng vô cùng". Khi thì con thông báo đã phơi xong quần áo cho ba, tức là ba đang nợ cậu 30 nghìn đồng; lúc thì lục đục đi dọn nhà, vứt rác rồi ghi vào cuốn sổ riêng đề rõ: Chủ nợ Bờm, người nợ: Mẹ, hạng mục nợ: Tiền thuê rửa bát cộng đổ rác, quét nhà. Tổng số tiền là 110 nghìn đồng. Vừa thấy mẹ đi làm về, con trai chị Hà "xòe" ngay sổ nợ liệt kê sẵn các hạng mục đã làm rồi giải trình đàng hoàng. Bảng giá được áp dụng từ hôm 30/7 và tính đến 1/8, chị Hà than đã mất 250 nghìn đồng.

Từ khi bảng giá làm việc nhà do cậu con trai năm nay lên lớp 8 soạn ra có "hiệu lực", chị Hà lo mình sẽ "mất khả năng thanh toán". Theo chị Hà, xuất phát từ việc thấy điện thoại của ba hỏng màn hình, cu Bờm ước có tiền để mua điện thoại tặng ba. Lúc đầu, Bờm định xin làm khuân vác đồ tại xưởng bọc ghế da, đệm của người thân nhưng xưởng xa, trong khi lại sắp vào năm học mới nên cậu bé mới nghĩ ra việc "khởi nghiệp tại gia".

Biết con trăn trở chuyện kiếm tiền, nhân lúc cả nhà ngồi ăn cơm, chị Hà buột miệng kể ngày xưa nhổ tóc cho bà được mấy nghìn. Mẹ chưa có sợi tóc bạc nào nên cu cậu tiu nghỉu "hết hy vọng". Tuy nhiên, không để con thất vọng, ba cu Bờm đề xuất: Rửa bát. Từ gợi ý đó, Bờm dõng dạc tuyên bố sẽ lo liệu nhà cửa gọn gàng, bát đĩa sạch bóng, cơm nước đầy đủ... rồi xây dựng bảng giá.

"Giọng bạn nhỏ hơn nhưng rất chi là rành rọt: Con sẽ gửi bảng giá tới ba mẹ, quy định chi tiết từng hạng mục một. Ba mẹ chỉ cần nhìn vào giá dịch vụ mà trả lương tháng cho con theo đúng tinh thần thoả thuận giữa giới chủ và người lao động. Lao động có quyền khởi kiện nếu chậm lương, 6 tháng một lần nếu không có thưởng", chị Hà kể.

Bên cạnh yêu cầu ba mẹ trả lương đúng hạn, cu Bờm còn đề nghị "giới chủ" phải chi trả "bằng cả cái tâm", không những đủ mà còn động viên, khích lệ, thậm chí có khuyến mại, thưởng nóng. Cu Bờm giải thích, rửa bát sẽ là 30 nghìn đồng, quét nhà sẽ có mức giá chung. Nếu chăm cá, rửa rau rồi lau dọn nhà..., mức thu nhập của con sẽ thu trọn trong ngày là từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng hoặc hơn. Khoản hơn ở đây được hiểu là ngoan sẽ được thưởng nóng, làm việc nhanh chóng sẽ được khen và khen là có thêm thu nhập.

Nghe con trình bày, chị Hà choáng váng khi từ giờ, việc gì nhờ con trai làm cũng sẽ bị tính phí. Ngoài những công việc có mức giá cụ thể, cu Bờm có miễn phí một số phần việc như: Lấy nước cho mẹ, đấm lưng khi mẹ mỏi, mở tivi, bật quạt, kê dụng cụ tập thể dục... Những việc liên quan đến sức khỏe và chăm sóc ba mẹ, cu Bờm sẽ không tính tiền.

"Ngược lại, cu cậu sẽ bị phạt 20 nghìn đồng nếu rửa bát không sạch, 20 nghìn đồng nếu cắm cơm không ngon... Tóm lại, nếu làm việc không bằng cái tâm là bị phạt tiền", chị Hà kể.

Từ khi có bảng giá, cu Bờm ý thức hẳn, ăn xong tự rửa bát, đồ dùng tự dọn vì nếu ba mẹ cất giúp thì con phải trả tiền. Chị Hà cho biết, thực ra đây là hình thức con trai tiết kiệm. Tiền công ngày nào được thanh toán ngày đấy để cu Bờm nhét lợn. Thế nhưng, cậu bé muốn ứng trước để làm tròn số tiền. Nếu hôm nay thu được 110 nghìn đồng, cu cậu sẽ xin ứng trước 40 nghìn đồng để thành 150 nghìn đồng.

Trong khi chị Hà lo sẽ thành "con nợ", chồng chị lại ra sức động viên con trai "biết trân trọng sức lao động của mình là tốt". Theo chị Hà, cu Bờm từ xưa đến giờ chưa biết tiêu tiền, chỉ từ lúc "làm giàu", cậu mới bắt đầu nâng niu từng đồng. Có lần đi dã ngoại cùng lớp, được mẹ cho tiền, Bờm đều cầm về mà không tiêu.

Bà mẹ một con cho rằng việc con trai đến giờ vẫn chưa biết sử dụng đồng tiền là quá muộn. Hiện tại, ngoài việc giúp mẹ đi siêu thị, cu Bờm chưa bao giờ nhắc đến tiền. Lần này Bờm bắt đầu quan tâm đến tiền vì liên quan tới chiếc điện thoại hỏng của ba. Cậu bé muốn có tiền để mua điện thoại mới cho ba và hy vọng sẽ được dùng chiếc cũ.

Ngoài đời, cu Bờm khá trầm tính, ưa nghiên cứu, lắp robic giỏi, biết làm ảo thuật, rất quan tâm đến sức khỏe và "cực kỳ khoa học". Mọi việc làm của cậu bé đều căn cứ trên quy định của pháp luật và có cơ sở khoa học. Khi có bất cứ dịch bệnh gì bùng phát thì Bờm luôn là người biết đầu tiên trong nhà và chỉ cho ba mẹ tường tận cách phòng tránh ra sao.

Thấy mẹ đi làm về, cu Bờm giải trình với mẹ cụ thể từng việc đã làm trong ngày, kèm giá tiền.



Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: ngoisao.net

  Từ khóa: việc nhà , con nợ , bố mẹ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP