Tin địa phương

Bí thư Đà Nẵng: Thành phố nói hơi nhiều, nhưng chưa làm gì cả

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã nói như trên khi đề cập đến đảm bảo đời sống cho người dân quanh nhà máy thép Dana Ý bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường...

Ngày 6/6, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức chương trình“Hội đồng nhân dân với cử tri” do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chủ trì.

Nhiều vấn đề “nóng”, gây bức xúc trong dư luận như: ô nhiễm môi trường, quy hoạch treo, ách tắc giao thông… đã được cử tri phản ánh, yêu cầu thành phố có biện pháp xử lý.

2.000 hộ dân sống trong vùng quy hoạch treo 14 năm

Cử tri Nguyễn Nhi (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) phản ánh, gần 2.000 hộ dân nơi đây đã sống trong vùng dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng gần 14 năm (2004-2017) nay, trãi qua bốn lần công bố quy hoạch nhưng vẫn chưa được di dời, giải tỏa.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh yêu cầu xử lý triệt để các điểm ô nhiễm môi trường. Ảnh: TT

Cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch treo gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cửa xuống cấp, muốn sửa chữa thì phải xin, chính quyền cho sửa nhưng yêu cầu giữ lại hiện trạng, dù có chật chội cũng không được nới ra, nới ra là tháo dỡ.

Làm nhà 1-2 tầng để chống bão cũng không được vì nằm trong khu vực dự án, không cho phép.

“Nhà 3-4 thế hệ sống chung, muốn làm nhà riêng cũng không được vì nằm trong dự án ga. Muốn tách hộ khẩu riêng cho con cũng không được vì chuẩn bị quy hoạch” ông Nhi bức xúc.

Cũng theo ông Nhi, hệ quả của việc quy hoạch treo kéo dài là đường sá không được xây dựng, sửa chữa, không có cống thoát nước gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nhi đề nghị với thành phố có kiến nghị với Chính phủ, nếu di dời nhà ga thì dời gấp vì người dân sống 14 năm trong vùng này đã chịu nhiều thiệt thời lắm rồi.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng là công trình trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Đà Nẵng và Bộ Giao thông vận tải sớm khởi động trong năm 2017.

Dự án này gồm hai hợp phần là di dời ga đường sắt ra phường Hòa Minh và tái thiết đô thị (vị trí ga cũ trên đường Trần Cao Vân).

Theo đó, tiền di dời ga được trích ra từ nguồn vốn ngân sách, còn nguồn tái thiết đô thị là xã hội hóa.

Tính toán sơ bộ thì giai đoạn 1 của dự án trên cần hơn 6 ngàn tỷ đồng và phải chuẩn bị hơn 8.000 lô đất để tái định cư. Ông Tuấn thông tin thêm, sẽ giải quyết dứt điểm việc giải tỏa đền bù trong năm 2017-2018.

Xử lý 2 nhà máy thép gây ô nhiễm chưa quyết liệt

Một vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, bức xúc hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong đó, việc hai nhà máy théo Dana Ý và Dana Úc (xã Hòa Liên, Hòa Vang) gây ô nhiễm kéo dài, khiến người dân nhiều lần tụ tập, bao vây nhà máy để phản đối.

Nhà máy thép gây ô nhiễm kéo dài nhiều năm nay.

Dù chính quyền đã đưa ra nhiều cam kết cũng như giải pháp để khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm tại khu vực này cũng không có chuyển biến.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, hai nhà máy thép này đã tồn tại từ rất lâu và gây ra ô nhiễm, khiến bà con thường xuyên phản đối.

“Tinh thần là lấy việc bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân là quan trọng. Cả hai doanh nghiệp này cũng phải ý thức được vấn đề này.

Tuy nhiên, một số giải pháp đề ra như: trồng cây xanh, xây tường rào cũng chưa được triển khai”.

Ông Xuân Anh cho rằng, thành phố nói hơi nhiều nhưng chưa hành động gì cả. Bởi thực tế, tại khu vực này vẫn chưa trồng được cây nào và chưa xây đường mét tường nào.

Vấn đề nữa là thành phố thống nhất di dời dân tại khu vực chịu ảnh hưởng về khu tái định cư Hòa Liên 6. Nhưng đến nay thì khu tái định cư cũng chưa có khởi động gì cả.

“Nói thì nói thế đấy nhưng chưa biết đi về đâu. Rồi kinh phí ai chịu, phải làm rõ cái này. Hai nhà máy phải tham gia vào. Việc di dời dân và giải tỏa đền bù thì ai chịu?”

Ông Xuân Anh đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo kiểm tra và có báo cáo thường trực thành ủy quyết định việc này.

“Còn ngân sách thành phố bỏ ra mấy trăm tỷ, tiền đâu? Bây giờ, nhà máy gây ô nhiễm thì nhà máy phải chịu trách nhiệm. Phải nói rõ lộ trình khi nào di dời dân, 5 hay 10 năm thì để người ta chuẩn bị” ông Xuân Anh nói.

Bí thư Đà Nẵng cũng yêu cầu có cam kết xử lý triệt để như: bao giờ trồng cây, bao giờ xây tường rào, bao giờ di dời dân, bao giờ xong khu tái định cư Hòa Liên 6, để người dân yên tâm, chứ bây không thể “thả giữa trời” như thế, người dân không biết đi về đâu.

Ông Xuân Anh nói thêm, ông có cảm giác chỗ này thành phố nhập cuộc chưa quyết liệt lắm. Khi bà con phản ứng thì chính quyền lên tiếng trấn an nhưng mà hành động thì không thấy gì cả.

Ông Xuân Anh đề nghị cử tri tiếp tục giám sát, nếu Ủy ban làm chưa đến nơi đến chốn thì tiếp tục chất vấn để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm do hai nhà máy thép gây ra.

Tác giả: An Nguyên

Nguồn tin: Báo Giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP