Trong nước

Bão Usagi hướng vào Nam Trung Bộ, gây mưa to

Khu vực và thời gian bão đổ bộ sẽ thay đổi do bão chếch xuống phía nam thay vì đi ngang theo hướng tây như dự báo trước đó.

Thay đi ngang theo hướng tây như dự báo trước đó, đêm qua bão Usagi - cơn bão thứ 9 ở biển Đông - đã chúc xuống phía nam. 7h sáng nay, tâm bão cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 410 km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 610 km. Cường độ bão cũng mạnh lên cấp 9, sức gió tối đa 90 km/giờ, bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, hôm nay bão theo hướng tây tây nam, tốc độ 10-15 km mỗi giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h thứ bảy 24/11, tâm bão cách Phan Rang khoảng 150 km, cách Vũng Tàu khoảng 300 km, cách đảo Phú Quý khoảng 80 km. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80 km tính từ tâm bão.

Đài khí tượng Hong Kong 5h sáng nay vẫn đánh giá vùng xoáy thấp ở phía nam biển Đông là áp thấp nhiệt đới, đến 8h đã nâng mức cảnh báo là bão. Trong khi đó đài Nhật Bản và TSR (Đại học London, Anh) xem đó là bão từ chiều qua.

Về đường đi, do bão chúc xuống phía nam nên cả đài Việt Nam và quốc tế đều nhận định khu vực bão đổ bộ sẽ thấp hơn, khoảng từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian bão vào bờ cũng chậm hơn chừng 12 tiếng so với dự báo hôm qua, tức 1-3h sáng 25/11.

Hướng đi của bão Usagi theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương.

Hai kịch bản của bão Usagi

Đánh giá về cơn bão, các chuyên gia khí tượng đưa ra hai kịch bản. Kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất (70%) là Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão này. Trong đó, các tỉnh từ Bình Định trở vào đến Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 23/11 sẽ có gió mạnh cấp 6-7, ven biển các tỉnh nơi tâm bão đi vào sẽ có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.

Bão và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to cho suốt dọc từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận, các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng và phần phía Bắc của Đông Nam Bộ. Mưa lớn nhiều khả năng sẽ liên tục từ ngày 23 đến 28/11, trong đó trọng tâm mưa lớn sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận với tổng lượng mưa 300-400 mm.

Thêm một kịch bản nữa với khả năng khoảng 20-30% là khi bão vào gần sát đảo Phú Quý sẽ đổi hướng dịch về phía Nam và suy yếu dần. Khi đó, trọng điểm đổ bộ của bão sẽ là từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre.

Tuy nhiên cả hai kịch bản bão vào Nam Trung Bộ hay bão lệch về phía Nam và yếu bớt thì đều gây ra một đợt mưa to ở các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ cũng như Nam Tây Nguyên với tổng lượng mưa từ ngày 23 đến 26/11 khoảng 300-400 mm, có nơi trên 500 mm. Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ mưa 100-200 mm/đợt.

Trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên, sẽ xuất hiện một đợt lũ với mức báo động 3 - mức nguy hiểm nhất. Đảo Phú Quý là nơi sẽ ảnh hưởng trực tiếp của bão, vì thế từ hôm nay đảo Phú Quý có thể có gió bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Để đối phó cơn bão, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP HCM sẽ thực hiện lệnh cấm biển từ 13h hôm nay cho đến khi có lệnh mới.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang lên cao, đỉnh triều sẽ vượt báo động 3 vào ngày 24- 25/11. Do ảnh hưởng của mưa bão kết hợp triều cường, Nam Bộ trong đó có TP HCM có thể bị ngập nghiêm trọng tại các khu vực thấp.

Tác giả: Hữu Nguyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP