Xã hội

Bão lụt - Thiên tai không thể coi thường

Trải qua hàng ngàn năm phát triển, cha ông ta đã đúc kết: “Nhất thủy, nhì hỏa”. Như vậy, trong các loại thiên tai, nguy hiểm nhất là lũ. Lũ thường xẩy ra do hoàn lưu của các cơn bão gây mưa, vì vậy mà bão thường đi kèm với lụt.

Hậu quả do bão lụt gây ra thật là ghê gớm. Xin nêu một số ví dụ: Bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ ngày 29/8/2005 làm 1.800 người chết, thiệt hại kinh tế khoảng 100 tỷ USD. Bão Nargis, sức gió 200km/h, đổ bộ vào Mianma ngày 3/5/2008 làm chết 138.000 người. Bão Haiyan, sức gió 378km/h, quét qua Philippin ngày 8/11/2013 làm chết 4.200 người, bị thương 12.500 người, mất tích 1.900 người, thiệt hại kinh tế lên tới 14,5 tỷ USD.
3
Lũ lụt ở xã Thanh Mai


Sức mạnh của lụt bão là rất lớn, đến nay loài người chưa thể triệt tiêu được năng lượng của các cơn bão, vì vậy trong công tác phòng chống lụt bão thì phòng, tránh là chính. Để giảm thiểu thiệt hại về người và của do bão, lụt gây ra, trước hết mọi người dân cần có hiểu biết và ý thức chấp hành áp dụng các biện pháp phòng tránh. Trên địa bàn huyện ta cần chú ý:

Đối với sản xuất nông nghiệp: Bố trí thời vụ hợp lý trên từng chân đất, nếu đất thấp trũng phải đảm bảo thu hoạch cây trồng trước mùa bão lụt. Các cây trồng khác thực hiện phương châm “non ở nhà hơn già ở đồng”. Với cây sắn, khi cây cao 1,2m nên bấm ngọn để khống chế chiều cao, vừa tăng năng suất, vừa hạn chế bão làm gãy đổ.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm: Tiêm phòng vụ thu đầy đủ, chuẩn bị dự trữ các loại thức ăn và có phương án di dời gia súc, gia cầm nếu bị ngập lũ.

Đối với thủy sản: Kiểm tra, gia cố bờ bao, cống tiêu, tràn xả lũ, chuẩn bị đăng, lưới đề phòng mưa tràn ao nuôi.

Đối với công trình thủy lợi: Trước mùa lụt bão kiểm tra, xử lý kỹ lưỡng các ẩn họa, nhất là tổ mối, vết nứt, hiện tượng nước thấm qua thân đê, thân đập. Kiểm tra, sửa chữa để các cống dưới đê, cống lấy nước của các hồ đập, tràn xả lũ làm việc bình thường, đồng thời khơi thông các kênh tiêu để chống úng cục bộ. Khi có bão lụt, đóng chặt các cống dưới thân đập.

Các địa phương có đê, đập phải chuẩn bị đất, đá, cát dự phòng, cọc tre, rơm, phên, bạt, bao tải… để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xẩy ra.

1
Lãnh đạo huyện kiểm tra các hồ, đập chứa nước

Đối với các công trình kiến trúc: Bước vào mùa lụt bão, vận động nhân dân chặt hạ những cây cối gần nhà và đường dây tải điện. Các loại cây xanh ở thị trấn và ven các trục đường giao thông cần được tỉa bớt cành lá. Các cơ quan, trường học, hộ dân cần chuẩn bị sẵn các thanh giằng, dây buộc, bao cát để chằng chống, đề phòng mái che bị bão làm tốc mái. Các công trình đang xây dựng có phương án bảo vệ các loại vật tư chưa sử dụng và bảo vệ các phần việc đang thi công dở dang.

Bảo vệ tính mạng con người: Bước vào mùa bão lụt, các hộ gia đình cần chuẩn bị lượng lương thực đủ ăn trong khoảng 2-3 tuần, dự trữ một số loại thuốc chữa bệnh thông thường, pin đèn, ắc quy, củi khô… để đề phòng khi bị cắt điện và ngập lụt bị cô lập. Khi có bão lụt xẩy ra, mọi người cần xác định nơi trú ẩn; những hộ gia đình ở sau các hồ đập lớn, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cần di dời đến nơi an toàn, các gia đình cần căn dặn các cháu nhỏ không đi vào những nơi nguy hiểm (nhất là bắt chim, cá…). Các trường học cần có quy chế phối hợp đảm bảo an toàn cho học sinh (chủ động cho học sinh nghỉ học nếu học sinh đi học không an toàn; nếu đang học mà xẩy ra mưa lũ thì các thầy cô giáo phải có trách nhiệm đưa học sinh về nhà; nếu xẩy ra mưa lớn trong đêm, khi nhà trường chưa kịp thông báo cho học sinh nghỉ học thì phụ huynh phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường…).

Phương châm trong công tác phòng chống bão lụt là “4 tại chỗ”, đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Phương châm này không những chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt mà còn phải được quán triệt đến các hộ gia đình. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị đều phải chuẩn bị tốt “4 tại chỗ” và mỗi người, mỗi nhà đều phải có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng chống bão lụt của cộng đồng.

Không ai muốn thiên tai xẩy ra. Ai cũng muốn mưa thuận, gió hòa nhưng như vốn dĩ của nó, trời đất luôn có những bất thường, bởi vậy, chủ động phòng chống thiên tai, nhất là phòng chống bão lụt là cách thức để con người tồn tại và phát triển../.

Tác giả bài viết: Điền Mạch

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP