Xã hội

Bác sĩ tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong: “Quanh co” trên nỗi đau của người dân?

Lại một lần nữa, gia đình ông Trọng phải chịu nỗi đau giằng xé, kéo dài khi cái chết của con trai ông chưa được làm sáng tỏ. Những đơn vị xử lý vụ việc này chưa đưa ra được kết luận thoả đáng mà chỉ “quanh co” trên nỗi đau của người dân.

Nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh Bình Dương yêu cầu làm rõ quy trình khám bệnh, chữa bệnh và nguyên nhân dẫn đến tử vong của con trai ông là Lê Đình Chính nhưng đến nay sự việc vẫn "giậm chân tại chỗ".

Liên quan đến vụ Vụ bác sĩ tắc trách, bé trai 13 tuổi tử vong xảy ra vào cuối năm 2016, dù hàng chục lá đơn được gia đình ông Lê Đình Trọng (ngụ thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo) gửi đi khắp nơi với mong muốn làm sáng tỏ cái chết của con trai ông là Lê Đình Chinh (13 tuổi) nhưng đến nay sự việc vẫn "giậm chân tại chỗ".

Trong diễn biến mới nhất, ngày 5/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Lục Duy Lạc đã có thông báo gửi đến ông Lê Đình Trọng để thông báo kết quả xử lý đơn thư của ông. Nội dung thể hiện, ngày 8/5, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Lục Duy Lạc đã có quyết định thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá quy trình khám bệnh, chữa bệnh và chuyển tuyến của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Giáo đối với bệnh nhi Lê Đình Chinh. Sau đó, ngày 19/5, hội đồng chuyên môn (HĐCM) đã có biên bản về vụ việc này.

Thông báo mới nhất của Sở Y tế Bình Dương, tuy nhiên gia đình ông Trọng muốn biết nội dung biên bản họp hội đồng chuyên môn thì tự lên Công an huyện Phú Giáo mà hỏi.

Nay Sở Y tế thông báo cho ông Lê Đình Trọng được biết nội dung biên bản họp hội đồng chuyên môn đánh giá quy trình khám bệnh, chữa bệnh và chuyển tuyến của TTYT huyện Phú Giáo đối với bệnh nhi Lê Đình Chinh đã gửi cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo phục vụ cho quá trình điều tra theo quy định. Do vụ việc đang được cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo điều tra, giải quyết vì vậy đề nghị ông Trọng liên hệ với cơ quan trên để nắm bắt kết quả xử lý.

“Dù đã có biên bản của hội đồng chuyên môn gia đình tôi không hề được nắm bắt nội dung, Sở Y tế Bình Dương cũng không cung cấp gì cả mà chỉ thông báo để tôi tự đến Công an huyện Phú Giáo mà nắm bắt. Trách nhiệm những người có thẩm quyền ở đâu? có chăng sự “quanh co, bao che” của ngành Y tại Bình Dương”, ông Trọng bức xúc.

Trước đó, ngày 5/5, Sở Y tế Bình Dương cũng có một văn bản tương tự gửi đến gia đình ông Trọng. Nội dung văn bản nêu rõ: “Ngày 24/4, Sở Y tế tỉnh Bình Dương nhận được công văn của cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo về việc đề nghị trả lời kết quả trưng cầu giám định trường hợp tử vong của cháu Lê Đình Chinh con trai ông Lê Đình Trọng mà Công an huyện Phú Giáo đang thụ lý điều tra.

Qua xem xét hồ sơ bệnh án, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá về quy trình khám bệnh, chữa bệnh, chuyển tuyến của Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo thụ lý. Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông báo cho ông Lê Đình Trọng được biết để liên hệ với Công an huyện Phú Giáo xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật".

Hai văn bản thông báo của Sở Y tế Bình Dương gửi đến ông Trọng.

Trước đó, gia đình ông vừa nhận được thông báo của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, Ban tiếp Công dân tỉnh Bình Dương về việc chuyển đơn của ông Trọng đến Sở Y tế tỉnh Bình Dương và Công an huyện Phú Giáo để xem xét, giải quyết nội dung: "Yêu cầu làm rõ quy trình khám bệnh, chữa bệnh và nguyên nhân dẫn đến tử vong của con trai ông là Lê Đình Chính.

Viện KSND tỉnh Bình Dương cũng có phiếu báo chỉ dẫn gửi đến ông Trọng. Sau khi nghiên cứu nội dung đơn và các tài liệu liên quan, Viện KSND tỉnh Bình Dương nhận thấy, các nội dung ông Trọng phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cơ quan khác nhau. Do đó VKSND tỉnh Bình Dương hướng dẫn ông Trọng làm đơn gửi đến từng đơn vị liên quan để có hướng xử lý.

Trong diễn biến khác, trên hành trình làm rõ cái chết của con trai mình, ngày 16/6, sau nhiều lần liên hệ, ông Trọng đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Tại đây, ông Trọng đề nghị Sở Y tế trả lời, giải quyết đề nghị của ông về nguyên nhân tử vong của bé Lê Đình Chinh.

Ông Trọng đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Tại đây, ông Trọng đề nghị Sở Y tế trả lời, giải quyết đề nghị của ông về nguyên nhân tử vong của con trai ông và làm rõ, xử lý trách nhiệm những người có liên quan.

Ông Trọng cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ trách nhiệm của những y bác sĩ trong ê kịp và điều trị cho con trai ông ngày nhập viện tại TTYT huyện Phú Giáo. Có hay không sự tắc trách, thờ ơ, vô cảm của bác sĩ…

Theo đơn cầu cứu gửi đến Báo Dân trí, ông Lê Đình Trọng trình bày, sáng 24/11/2016, con ông bị bệnh nên gia đình đưa cháu ra khám tại TTYT huyện Phú Giáo. Tại đây, Chinh được làm xét nghiệm, sau đó bác sĩ chẩn đoán Chinh bị sốt xuất huyết và cho cháu nhập viện.

Đến khoảng 14h chiều 26/11/2016, ông Trọng thấy con mình mệt nên vội vã gọi bác sĩ để hỏi thăm và xin chuyển viện. Bác sĩ nói rằng cháu không sao, mai là khỏi và về đi học, chạy nhảy được. Đến 17h cùng ngày thấy Chinh mệt, ông Trọng tiếp tục gọi bác sĩ Nguyễn Giang Nam (nhân viên tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo) để thông báo tình trạng sức khỏe của con trai mình.

Đêm 26/11/2016, khi vừa từ phòng bệnh ra tới gần cửa xe cứu thương cháu Chinh co giật nhưng bác sĩ Nam vẫn đứng im mà không lo lắng hay cấp cứu gì cho cháu, sau đó bác sĩ cho đẩy cháu lên xe và chuyển cháu đi về bệnh viện tỉnh Bình Dương cùng 2 y tá.

Trên đường đi cháu tiếp tục co giật 2 lần nữa mà không được bác sĩ tiêm thuốc hay cấp cứu gì cả. Tại bệnh viện tỉnh, người Chinh đã tím tái hết, bác sĩ tiếp tục cấp cứu và chuyển Chinh đến bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Dù bác sĩ ở đây đã nỗ lực điều trị nhưng Chinh không qua khỏi và tử vong vào rạng sáng 29/11/2016.

Hơn 1 tháng sau, Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo đã họp công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn, kỷ luật một bác sĩ vi phạm quy định chuyên môn của ngành y tế, đồng thời xin lỗi gia đình nạn nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo cho biết trong quá trình điều trị, chuyển viện cháu Lê Đình Chinh bị sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Giang Nam (thuộc phòng cấp cứu của trung tâm) đã không tiên lượng hết các diễn biến xảy ra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng chuyên môn cũng kết luận trong lúc cháu Chinh lên cơn co giật và chuyển viện, bác sĩ Nam không có một động tác nghiệp vụ nào mà chỉ đứng nhìn là sai quy định chuyên môn của ngành.

Hội đồng khen thưởng kỷ luật Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo đã quyết định kỷ luật bác sĩ Nam bằng hình thức cảnh cáo, chuyển công tác khác.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Tác giả: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP