Xã hội

Áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại tại nhiều địa phương

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào đất liền khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió Đông, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (bao gồm các đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đây là tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới.

Điểm đê bao sông Hoàng bị vỡ ở làng Tế Độ, xã Tế Nông, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Ảnh: MAI LUẬN

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió Đông, tính đến 19 giờ ngày 10-10, ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ và các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Chi Nê (Hòa Bình) 285 mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 278 mm, TP Vinh 261 mm, Hương Sơn (Hà Tĩnh) 277 mm,…

Ở phía bắc có một khối không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta, gió Đông trên cao tiếp tục hoạt động mạnh. Từ đêm 10-10 đến ngày 12-10 ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 đến 150 mm, có nơi trên 200 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

* Tính đến 10 giờ ngày 10-10, mưa lớn kèm gió to trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã làm một người chết và hai người mất tích. Ngoài ra, mưa lớn kèm gió giật mạnh đã khiến một nhà dân tại huyện Nghi Lộc bị sập; 1.955 ha ngô và rau màu các loại bị ngập; 1.000 con gia cầm bị chết; 874 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Hầu hết các tuyến đường chính tại TP Vinh bị ngập sâu, có nơi ngập 0,5 m. Hơn 100 trường học ở địa bàn TP Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Hưng Nguyên đã cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hòa Bình cho biết, ông Xa Văn Châm (sinh năm 1967, trú tại xóm Pà Chè, xã Đồng Chum) trên đường đi làm nương về đã bị lũ ống cuốn mất tích. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đà Bắc đã huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm thi thể nạn nhân.

* Ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và hàng trăm người dân địa phương đang nỗ lực tìm kiếm em Lê Văn S, học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Lợi, TP Đông Hà (Quảng Trị), bị nước lũ cuốn trôi vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 9-10. Vào thời điểm nêu trên, hai em học sinh điều khiển xe máy đi qua khu vực cống nước gần Trường THCS Phan Đình Phùng, thuộc khu phố 4, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, gặp trời mưa to, nước ở khu vực cống dâng cao, chảy xiết. Em Lê Văn S cùng chiếc xe máy đã bị dòng nước cuốn vào miệng cống. Người bạn ngồi phía sau may mắn thoát nạn.

* Mưa lớn liên tục đã làm cho mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các hồ chứa, cánh đồng trên địa bàn các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang (Hà Tĩnh) dâng nhanh. Cùng với đó, Nhà máy Thủy điện Hố Hô và Nhà máy Thủy điện Hương Sơn đã mở các van đập hồ tràn với lưu lượng xả từ 30 đến 1.271 m3/giây khiến nhiều khu dân cư, các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Can Lộc... xảy ra tình trạng úng ngập. Đáng chú ý, tại huyện Can Lộc, đập Cố Châu (thuộc địa bàn xã Gia Hanh) với dung tích gần 3.000 m3 đã bị vỡ gây ngập úng nặng cho nhiều thôn trên địa bàn. Mưa lớn cũng làm cho nước tại đập Khe Nhảy, Sơn Tiến và đập Khe Su, Sơn Bình (Hương Sơn) tràn đập. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh, ngày 10-10, toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học.

* Khoảng 6 giờ ngày 10-10, một cơn lốc xoáy quét qua địa bàn xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (Thái Bình) làm sập một nhà, tốc mái chín nhà, bốn người bị thương. Lãnh đạo UBND tỉnh đã kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ gia đình, đồng thời giúp mỗi người bị thương nặng ba triệu đồng, bị thương nhẹ một triệu đồng.

* Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 17 giờ ngày 10-10, mưa, lũ làm bà Lê Thị Kén, sinh năm 1950, ở thôn 1, xã Hoằng Long, TP Thanh Hóa bị chết do đuối nước; Lương Thị Lưu, sinh năm 1988, thôn Thành Đon, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân bị gãy tay do nhà sập. Gió, mưa, lũ làm đổ sập ba nhà ở; ngập nước 432 nhà, hơn 120 ha lúa, hơn 860 ha nuôi trồng thủy sản; ngập, gãy đổ, hư hỏng hơn 3.400 ha ngô, gần 4.300 ha rau màu. Đê tả sông Yên qua thị trấn Nông Cống bị sạt lở hai điểm: K2+844 - K3+760; đê bao bảo vệ 40 ha cói của xã Tế Nông bị vỡ. UBND xã đã huy động phương tiện, vật tư, hơn 300 người trong xã cùng hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nông Cống nỗ lực khắc phục, đến trưa cùng ngày cơ bản hàn khẩu điểm đê vỡ.

Tại TP Thanh Hóa, tổng lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 9-10 đến 7 giờ ngày 10-10 là hơn 200 mm, tại các địa phương khác như Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Giàng... đều hơn 150 mm, khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phải huy động xe cứu hộ để chuyên chở các xe ô-tô con bị chết máy dọc đường, nhằm tránh tình trạng ùn tắc.

* Trên địa bàn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) mưa to đến rất to, gây ngập lụt ở một số nơi, như: vùng Kim Bảng, xã Minh Hóa, xã Tân Hóa, vùng Lòm, xã Trọng Hóa, vùng đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. Học sinh trong huyện phải nghỉ học. Chính quyền địa phương phối hợp Bộ đội Biên phòng di dời một số hộ ở vùng thấp lụt đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức cấp đủ lương thực và nhu yếu phẩm cho nhân dân.

* Ngày 10-10, Thủ đô Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to, trong đó các huyện phía tây và nam Hà Nội nhiều điểm có mưa rất to, hơn 120mm, như Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức... Mưa to kéo dài khiến một số tuyến phố nội đô ùn tắc giao thông kéo dài, như: Phạm Ngọc Thạch, Lương Đình Của, Nguyễn Chính (Tân Mai), Định Công, Bến xe phía nam (Giải Phóng), Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư dự báo, hôm nay 11-10, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, trên lưu vực sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và thượng lưu sông Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1 đến 3 m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh ở vùng núi phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1, cấp 2.

* Hồi 13 giờ ngày 10-10, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 116,95 m, lưu lượng đến hồ 9.590 m3/giây. Để bảo đảm an toàn hồ chứa, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai có Công điện số 74 gửi Công ty Thủy điện Hòa Bình, lệnh Giám đốc công ty mở một cửa xả vào 16 giờ ngày 10-10, với tổng lưu lượng xả là 2.170 m3/giây.

* Sáng 10-10, tại Cần Thơ, triều cường sông Hậu dâng cao đã làm vỡ một đoạn bờ bao chống lũ dài gần 20m ở khu vực 3 Sông Hậu (Cồn Khương), thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ làm hoa màu, thủy sản và nhà cửa của hàng chục hộ dân bị ngập sâu trong nước từ 0,5 đến 1 m, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. UBND quận Ninh Kiều đã huy động gần 50 người cùng người dân khắc phục đoạn bờ bao.

Cứu tàu gặp nạn trên biển

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, hồi 12 giờ 40 phút ngày 10-10, Vietnam MRCC nhận được tin, tàu Thành Đạt 88 trọng tải 6.650 tấn thuộc Công ty Thành An, địa chỉ tại Hải Hậu (Nam Định) bị phá nước. Tàu Thành Đạt 88 có 15 thuyền viên, chở 5.000 tấn than trên từ Hải Phòng đi Cửa Lò (Nghệ An) bị phá nước, nghiêng mạnh tại vị trí cách Cửa Lò khoảng 13 hải lý về phía đông - đông nam. Vietnam MRCC đã yêu cầu tàu sẵn sàng các thiết bị cứu sinh, chạy vào bờ và bịt lỗ thủng. Đồng thời, điều động tàu SAR 273 đi cứu nạn lúc 12 giờ 45 phút. Lúc 14 giờ 20 phút cùng ngày, tàu SAR 273 đã tiếp cận tàu bị nạn và hỗ trợ tàu cùng 15 thuyền viên vào bờ.

* Lúc 5 giờ ngày 10-10, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh triển khai lực lượng cứu hộ tàu cá QN 0390 TS của ngư dân trong tỉnh bị hỏng máy trôi dạt trên vùng biển huyện Vân Đồn. Đến 11 giờ cùng ngày, tàu bị nạn đã được đưa về cảng an toàn.

Đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị gián đoạn khoảng bốn ngày

Ngày 10-10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, vụ sạt lở đất vào hồi 20 giờ ngày 9-10 tại ga Lâm Giang (Yên Bái) đã làm tê liệt đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai, dự kiến mất khoảng bốn ngày (từ 10 đến 14-10) mới khắc phục xong. Ước tính, khối lượng đất bị sạt khoảng 70.000 m3, cao khoảng 12 m, rộng 45 m. Trong thời gian khắc phục hậu quả, VNR không tổ chức chạy tàu suốt Hà Nội - Lào Cai, nếu hành khách có nhu cầu đi Lào Cai, ngành sẽ tiếp chuyển bằng ô-tô qua khu đoạn bị sự cố. Hành khách đã có vé đi tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại trong các ngày từ 10 đến khi khắc phục xong, nếu không muốn tiếp tục hành trình đi tàu có thể làm thủ tục trả vé, sẽ được hoàn nguyên tiền vé.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, ngày 9-10, khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh mưa rất to, gây sạt lở nền đường, làm tuyến đường sắt trong khu vực bị gián đoạn. Với nỗ lực của cán bộ, công nhân viên, vào lúc 10 giờ 25 phút sáng 10-10, đường sắt Thống Nhất đã chính thức thông tuyến. Trong ngày 10-10, VNR cũng bãi bỏ tàu SE35/36 tuyến Hà Nội - Vinh và ngược lại.

Tác giả: PV và CTV

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP