Kinh tế

Anh nông dân lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi con đặc sản "thích phơi nắng"

Sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi năm gia đình anh Mai Quốc Huy lãi khoảng 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi loài đặc sản này.

Anh Mai Quốc Huy, xóm 11, xã Giao An (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang sở hữu trang trại nuôi ba ba đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn ba ba thương phẩm và khoảng 100 vạn con ba ba giống, thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Huy cho biết, trước kia anh làm công nhân trong tỉnh Bình Dương. Chán cảnh xa nhà, làm quần quật mà mãi không khá, hầu như không dành dụm được tiền bạc, cả năm cũng chả đi đâu xa, không quen biết thêm ai. Từ đó, anh Huy quyết định bỏ ngang công việc về quê tìm công việc mới.

Nhận thấy con ba ba cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt, ở địa phương lại có nhiều điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi ba ba, anh quyết định khởi nghiệp với loài vật nuôi này.

"Thời điểm đó ở quê tôi rất nhiều người nuôi ba ba, nhưng chủ yếu nuôi với quy mô nhỏ, tuy vậy thu nhập cũng khá cao. Tính toán ra thu nhập từ nuôi ba ba quy mô nhỏ cũng bằng lương tháng công nhân, lại còn có thời gian làm thêm việc khác. Thời điểm đó con ba ba là vật nuôi khả thi nhất cho tôi khởi nghiệp", anh Huy nhớ lại.

Đầu năm 2012, với số vốn ít ỏi dành dụm khi còn làm công nhân, anh Huy xây sửa lại ao nuôi và mua 200 con ba ba giống về lập nghiệp. Sau hai năm miệt mài chăm sóc, lứa ba ba đầu tiên được xuất bán. Do chịu khó chăm bẵm nên đàn ba ba lớn nhanh, sau khi bán anh thu được số tiền lãi kha khá.

Thấy con ba ba cho hiệu quả kinh tế cao, anh Huy tiếp tục mở rộng quy mô hình nuôi, tiếp tục đầu tư, đào thêm ao, dần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu nuôi, đồng thời nghiên cứu, gây dựng đàn ba ba bố mẹ và cho sinh sản thành công ba ba giống.

Anh Mai Quốc Huy thành công với mô hình nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản. Ảnh: Dân Việt

Sau hơn 10 năm khởi nghiệp, xây dựng và phát triển, anh Huy đã mở rộng diện tích nuôi ba ba tới hơn 3ha. Toàn bộ các ao nuôi ba ba được thiết kế bài bản, khoa học với mỗi ao rộng không quá 1.000m2 để tiện quản lý, chăm sóc ba ba. Trong ao có thiết kế bãi nổi cho ba ba lên ăn và phơi nắng, lắp đặt hệ thống tiêu, thoát nước hiện đại.

Ngoài ra, anh Huy còn đầu tư nhiều trang, thiết bị khác phục vụ nuôi ba ba quy mô trang trại như: máy nghiền trộn thức ăn, phòng lạnh cấp đông thức ăn, xe đẩy...

Để chủ động nguồn giống tốt, anh đầu tư từ chuồng cho ba ba đẻ đến các bể nuôi úm, ương dưỡng công phu và gây dựng đàn ba ba bố mẹ chuẩn với hơn 4.000 con.

Ba ba thường bò lên ụ cát đã được làm sẵn trong ao để đẻ và vùi trứng vào ban đêm. Người nuôi ba ba phải bới lấy trứng ra đem về ấp. Ảnh: Dân Việt

Chia sẻ với báo Nam Định về kỹ thuật nuôi ba ba, anh Huy nhấn mạnh phải thường xuyên theo dõi nắm bắt các giai đoạn phát triển của ba ba cái. Khi chúng đến giai đoạn sinh sản phải tách riêng con đực và con cái theo tỉ lệ 1 con đực 4-5 con cái. Nếu số lượng con đực nhiều dễ xảy ra hiện tượng con đực cắn chết con cái. Trứng xếp trong chuồng ấp duy trì nhiệt độ 30-320C.

Ba ba mới nở được đưa vào bể nuôi dưỡng khoảng 30 ngày rồi mới đưa ra ao giống. Khi ba ba giống đạt trọng lượng 400-500g có thể xuất bán hoặc chuyển qua ao nuôi thương phẩm.

Với kinh nghiệm hơn chục năm nuôi ba ba, anh Huy cho biết: Mặc dù chăm sóc ba ba khá dễ song người nuôi cần phải thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn để tránh tình trạng thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, từ đó ba ba dễ bị các bệnh nấm thủy mi, viêm loét do vi khuẩn, sưng cổ…

Nếu phát hiện con nào có triệu chứng bệnh cần phải tách đàn và xử lý môi trường ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học, vôi bột.

Trong suốt quá trình nuôi, bắt đầu từ khi bước vào vụ nuôi, anh Huy luôn chú trọng xử lý kỹ ao nuôi, khử trùng bùn và môi trường nuôi, đồng thời thường xuyên kiểm tra, khử trùng nước theo định kỳ bằng vôi bột, muối, thuốc tím cùng các chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn cho ba ba.

Nguồn thức ăn cho ba ba chủ yếu là cá tạp xay nhuyễn trộn thêm cám gạo và men vi sinh giúp ba ba tiêu hóa tốt, nhanh lớn. Năm 2020, trang trại nuôi ba ba của anh Mai Quốc Huy được cấp giấy chứng nhận VietGAP khi đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng quy trình nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thời gian dịch bệnh Covid-19 cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc kinh doanh của anh Huy bởi thời gian nuôi ba ba dài cùng với áp dụng phương thức nuôi gối lứa nên anh không phải thu hoạch ồ ạt mà có thể “đánh tỉa”, xuất bán quanh năm.

Ba ba cũng là đối tượng ăn ít nên chi phí duy trì đàn không nhiều. Bên cạnh đó, anh linh hoạt phát huy các ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng trang Facebook “Ba ba giống Nam Định” để tiếp thị sản phẩm ba ba quê nên khách hàng biết đến nhiều hơn.

Mỗi năm, trang trại xuất bán 60-70 tấn ba ba thương phẩm và trên 100 vạn con giống ra thị trường. Theo hạch toán của anh Huy, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 1 tỷ đồng từ bán con giống và ba ba thịt.

Không chỉ cung cấp con giống tốt cho người nuôi ba ba thương phẩm, anh Huy còn nhiệt tình hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi và nhận tiêu thụ ba ba thương phẩm cho người nuôi trong vùng.

Trang trại ba ba của anh Mai Quốc Huy đang trở thành địa điểm cung cấp uy tín về con giống, đồng thời mở ra hướng đi mới để đưa ba ba quê vươn xa, mang lại lợi nhuận tối đa cho người nuôi.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP