Tin địa phương

Ám ảnh 'bí mật' về ngày 'giỗ làng' ở Bắc Trạch, Quảng Bình

Cái tên làng Đặng Đề ở Quảng Bình, ngày nay người ta tra internet cả năm cả tháng cũng không thấy. Phải nhờ rất nhiều nhà nghiên cứu tra sách giấy, chúng tôi mới biết được khu vực ấy ngày xưa nay đã là địa danh xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình...

Giặc Pháp tập trung phụ nữ trẻ em tra hỏi trong một trận càn.

Gọi điện về Ủy ban xã hỏi cán bộ, hỏi cả những người trung tuổi, đều không ai biết vụ giặc Pháp thảm sát. Phải hỏi đến vị Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, mới biết rằng ở làng có một ngày “giỗ làng”.

Từ manh mối tưởng như mong manh ấy, chúng tôi vượt gần 500km từ Hà Nội vào Quảng Bình tìm hiểu sự việc. Hiện trường sự việc nằm ngay bờ Nam cầu sông Gianh, chỉ cách con đường Quốc lộ 1A chừng 200m. Trưa hè chói chang, nắng nhức con mắt. Nơi từng là địa giới phân chia thời Trịnh – Nguyễn nay một vết dấu tích bờ thành không còn, nơi từng là “túi bom” giặc Mỹ những hố bom cũng đã san lấp, nhưng nắng chang chang gió hun hút thì bao đời nay vẫn thế.

Vụ cướp súng táo bạo

Đi khắp xã Bắc Trạch, có lẽ chỉ còn duy nhất cụ Phan Trung Thuyết (SN 1929, ngụ thôn 4), là chứng nhân vụ thảm sát năm xưa. Đầu óc còn minh mẫn, cụ rành rọt kể lại tội ác của giặc Pháp vụ thảm sát.

Hồi đó đại đội bộ đội địa phương của huyện về đóng quân tại bên bờ “rú” (rừng). Về phía giặc, đưới đồn Thanh Khê, chúng chia những toán quân ba tên, ngày nào cũng lên cả. Chúng đi tuần từ Thanh Khê lên Bắc Trạch rồi lên Hạ Trạch, lên Mỹ Trạch. Đồn Thanh Khê là đồn của Pháp đóng dưới vùng biển. Khu vực này thời đó còn có đồn Hạ Trạch, Bắc Trạch, đàn áp dân, tìm diệt bộ đội.

Suốt một thời gian dài thấy toán quân giặc ngang ngược, dân quân trong làng mới vào rú báo cho bộ đội. Năm bộ đội địa phương, trong đó có một người là người trong làng mới xuống phục kích. “Còn có ông Càng trung đội trưởng là người Trung Trạch, một chiến sĩ người Hạ Trạch. Hồi đó, nói thật, là bộ đội địa phương rứa chứ sức yếu, vũ khí thiếu, quân số ít. Nằm rú mà không có cái chi ăn, thiếu thốn, cực ghê lắm”, cụ Thuyết nhớ lại.

“Bây giờ mới có đường lớn đường nhỏ, có cầu, chứ hồi đó toàn rừng, muốn đi phải chui rúc. Quân ta chia làm ba tổ, năm bộ đội với hai du kích, phục kích chờ tụi hắn về lại đồn Thanh Khê. Chúng có ba người, mình bảy người, định bắt sống thôi nhưng không bắt được. Lúc đó, ông Dư có con rạ (rựa). Mang tiếng là bộ đội địa phương nhưng mình không có súng. Tên lính bảo an cầm súng, ông Dư dùng rạ chặt quai súng, cướp khẩu súng tiểu liên. Còn hai tên kia mình không cướp được. Tụi hắn chạy về đồn, một tên bị chém bị thương”.

Sự kiện lính bảo an bị tấn công cướp súng ngay giữa vùng dày đặc đồn bót có lẽ đã khiến giặc Pháp nổi điên. Nhưng dân làng không nghĩ rằng giặc Pháp lại quay lại trả thù tàn tệ như vậy. Theo lời kể của cụ Thuyết, thời đó làng này dù trong ruột là làng cách mạng, nhưng “ngoài vỏ” lại có tiếng “làng tề”, nghĩa là làng quy thuận theo giặc, nên ai cũng có thẻ thuế thân, ai cũng có giấy lý trưởng cấp. Câu chuyện du kích và bộ đội địa phương cướp súng giặc ngoài đầu làng, ai cũng nghĩ nếu Pháp có quay lại hỏi, sẽ chối “ai đó ở đâu làm chúng tôi không biết. Chúng tôi có giấy tờ đàng hoàng chính phủ cấp đây”.

Cuộc trả thù dã man

Mọi người đã nhầm. Sự ác ôn của giặc Pháp là không thể tưởng tượng được. Một ngày sau đó, hầu như toàn bộ lính giặc từ các đồn bót xung quanh kéo đến. Chúng đi theo hai hướng, một cánh quân đi tàu từ dưới sông kéo lên, một toàn quân từ trên bộ ập tới.

“Làng có đài quan sát nhưng lúc đó không ai quan sát thấy. Tới lúc thấy giặc ập tới, một số người ỷ lại có giấy của lý trưởng cấp nên không chạy. Những người may mắn thì chạy sạch vào rú nấp.

Tụi hắn gặp cái đám chay (đám tang) đầu tiên, hơn bốn chục người bị hắn xả súng bắn sạch. Súng gì cũng có, từ trung liên tiểu liên đến súng ngắn. Hắn lùng sục từng nhà, gặp ai cũng bắn”, cụ Thuyết kể.

Vẫn lời cụ Thuyết: “Ngày đó nhà cửa chưa san sát như bây giờ, mà có khi mỗi cụm nhà cách nhau vài trăm mét. Cánh quân kia thì gặp một đám cất mả mười mấy người, hắn cũng bắn sạch. Cất mả là bốc mộ. Bây giờ chôn một lần chứ trước đây phải có mả hung rồi mới sang mả cát. Chôn mả hung ba năm mới bốc lên, rửa sạch mới sang mả cát. Người chết chưa kịp sang cát, xương cốt còn đó thì người sống đã bị bắn chết ngã xuống ngay bên cạnh. Tang thương”.

“Nhóm người thứ ba bị bắn tập thể là nhóm lợp nhà. Lợp nhà tranh. Tụi hắn lên đó, dù người ta chưa kịp nhảy xuống, hắn cũng lia súng bắn họ rụng như sung. Hắn bắn ba cái đám đó là nhiều nhất. Rồi hắn bắn lẻ tẻ nữa, ví dụ tìm kiếm nhà nào thấy một người chưa kịp trốn hắn cũng bắn, là tổng cộng 73 người”.

“Hắn lên đông lắm, tầm hơn trăm hoặc hai trăm quân. Lính bảo an nhiều hơn lính Pháp. Nhưng Pháp là chỉ huy, lúc đó tôi chừng 20 tuổi, tui chạy mất. Hồi đó gần đây có cái rừng, chừ người ta phá đi chứ trước đây cây cối nhiều. Hắn lên bắn chết cả đám ăn chay nằm la liệt. Đám lợp nhà, ngồi trên mái hắn cũng bắn chết. Hắn dùng súng đại liên có, tiểu liên có, súng trường, súng ngắn. Thằng mô cũng có súng hết. Đâu phải như bộ đội địa phương mình khi đó, đi chiến đấu có khi chỉ có con rạ”.

Chuyện cũ đã qua hơn nửa thế kỷ, ông cụ 90 tuổi mắt vẫn rưng rưng: “Hắn thấy người là bắn thôi, không kể chi. Có một mụ già (ý nói cụ già theo cách nói người địa phương – NV), mụ hơn 80 tuổi rồi, mụ nấp trong cái sập mà hắn vẫn lôi ra hắn bắn pằng pằng. Già rồi hắn cũng bắn, mà con nít hắn cũng bắn. Hắn không chừa ai mô. Cái vụ đó, khiếp lắm.

Tui có nhìn thấy chúng nó bắn người mà. Bắn lên là cả làng đều chạy. Tui có mụ o cũng nấp trong sập, hắn vẫn lôi ra hắn bắn. Có kêu khóc được chi ư? Hắn bắn chết sạch chứ có mô nữa mà kêu khóc. Mạnh ai nấy chạy, còn lọt lại ai là hắn bắn người đó”.

Dân số trong làng thời đó hơn 700 người. Theo lời cụ Thuyết, một buổi sáng giặc Pháp đã giết 73 người, tương đương 10% dân số. Những người không kịp chạy, chỉ còn lại ông hương lý, phó lý và hương chánh làm cho chúng là giặc chừa lại. Cuộc lùng sục bắn giết đến 1 – 2h mới chấm dứt.

Thấy giặc rút quân, dân làng thất thểu từ rú lò dò chạy về, kẻ khóc lóc bên thi thể người thân, người cười khi thấy cha mẹ anh em còn sống. Chiều ấy, cả làng Đặng Đề là một cái đám tang lớn. Đâu đâu cũng thấy đám tang. Không nhà ai đi viếng nhà ai, không ai thăm hỏi ai, vì gần như nhà nào cũng có người bị bắn.

Theo mật thư số 5796/VP/M ngày 30/8/1951 trong hồ sơ lưu trữ của Pháp: Ngày 22/8/1951, có bốn binh sĩ quân đội Bảo Đại thuộc đồn Quảng Khê đi tuần, đến làng Đặng Đề bị du kích địa phương vây đánh. Ngày hôm sau, 23/8/1951, quân Pháp và quân Bảo Đại huy động lực lượng đến tàn sát dân làng, “giết chết 154 người, làm sáu người bị thương và bắt 30 con bò”.

Sau vụ thảm sát này, chính quyền thuộc địa đã thành lập một đoàn điều tra về vụ việc. Mật thư viết tiếp: “Theo tấu trình của ông Nguyễn Tối, lý trưởng làng Đặng Đề, tổng Quảng Khê, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: “Ngày 23/8/1951, vào lúc 12h trưa, một toán lính thuộc đồn Quảng Khê, gồm lính Pháp, một số lính Ma rốc và lính thân binh Việt Nam (quân đội Bảo Đại – NV) đã đổ bộ vào làng Đặng Đề bằng hai con đường. Một mặt bằng xuồng máy, một mặt bằng đường bộ.

Lúc đó bọn chúng gặp trong làng có hai nhà đang cúng đám chay (đám tang – NV), người dân lại tụ họp đông đúc, liền bắt họ ra xếp hàng và bắn chết rất nhiều người, chỉ còn lại một ông thầy cúng và một người chủ hiếu. Sau khi bắn xong người trong hai đám chay đó, lính Pháp lại bắn chết một số người đang lợp nhà. Họ cũng bị gọi xuống xếp hàng và bị bắn. Chưa dừng lại ở đó, lính Pháp đi vào làng gặp ai bắn nấy, nhất là thanh niên. Tổng số người chết lên đến gần 200 người, bị thương trên 20 người.

Vụ việc này lại tái diễn khi ngày 26/8/1951, lính Pháp quay lại làng Đặng Đề giết chết hai dân làng nữa.

Tuy nhiên theo lời cụ Thuyết như đã nêu trong bài, con số nạn nhân chỉ dừng lại ở khoảng 73 người.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP