Giáo dục

500 giáo viên có thể bị thôi việc ở Đắk Lắk: Có nên tiếp tục chọn ngành sư phạm?

“Vụ việc hơn 500 giáo viên có thể bị thôi việc ở Đắk Lắk là trường hợp cá biệt chứ không phải địa phương nào cũng thế và nhất là chúng ta không nên chỉ nhìn vào sự việc đó mà vội kết luận ngành sư phạm nhiều rủi ro”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT (Bộ GD&ĐT)

Sáng 11/3, tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra chương trình "Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2018".

Tham gia chương trình này có đại diện Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường đại học để phục vụ công tác tư vấn, giải đáp các thắc mắc của thí sinh và người nhà trước kì thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm nay.

Mùa tuyển sinh năm 2017 có nên chọn ngành sư phạm không là một câu hỏi mà nhiều thí sinh băn khoăn. Nhất là khi ngành sư phạm khả năng xin việc khá khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro: Giáo viên bị ép quỳ 40 phút, giáo viên bị học sinh bóp cổ ngay tại lớp… thời gian vừa qua dư luận bức xúc về việc hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk có nguy cơ mất việc.

Chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Thông tin về vụ việc hơn 500 giáo viên có thể bị thôi việc ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk là tình trạng một số địa phương gặp phải khi hết thời gian hợp đồng với giáo viên nhưng không xin được chỉ tiêu biên chế.

Nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phải địa phương nào cũng thế và nhất là chúng ta không nên chỉ nhìn vào sự việc đó mà vội kết luận ngành sư phạm nhiều rủi ro, nguy cơ thất nghiệp cao.

Bởi lẽ, đầu ra của ngành sư phạm còn liên quan đến nhu cầu của các địa phương, chính sách và ngân sách cho giáo dục ở từng địa phương cụ thể. Riêng với năm 2018, Vụ Giáo dục Đại học sẽ cùng với các địa phương và cơ quan ban ngành tiến hành khảo sát để có con số cụ thể về nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong vài năm tới để thí sinh có định hướng rõ ràng”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết thêm: “Tất nhiên, để không khống chế việc các trường tuyển sinh và đào tạo ồ ạt dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường chất lượng thấp chúng tôi cũng sẽ cân nhắc việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường thấp hơn nhu cầu tuyển dụng. Đó cũng là cách giảm thiểu tối đa tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau tốt nghiệp”.

Được biết, năm nay sẽ bỏ điểm sàn ở tất cả các trường trừ trường sư phạm. Điều này liệu có gây khó khăn trong việc các trường sư phạm tuyển sinh nhất là sinh viên chọn sư phạm ngày càng ít?

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay: “Thực ra nên nói là các trường đều đặt ngưỡng điểm đầu vào riêng cho các ngành để đảm bảo chất lượng.

Với ngành sư phạm thì chất lượng giáo viên luôn được quan tâm hàng đầu vì thế mặt bằng sư phạm nên cao hơn so với các ngành nghề khác. Điểm chuẩn vào ngành sư phạm là một trong những quy định đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của ngành.

Cũng có thể việc đầu vào sư phạm cao hơn sẽ có ít thí sinh đăng ký chọn sư phạm nhưng vì chất lượng chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta cũng không quá lo lắng vì thế mà ngành sư phạm thiếu nhân lực. Bởi lẽ, hiện nay, nhân lực cho ngành sư phạm đã khá dồi dào.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ cùng các trường sư phạm khảo sát thông tin để quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm không để xảy ra tình trạng đào tạo ồ ạt, kém chất lượng”.

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP