Xã hội

4h sáng mai, thông tuyến đường sắt bị “chôn vùi” tại Yên Bái

Liên quan đến sự cố sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực ga Lâm Giang (tỉnh Yên Bái), trong 3 ngày qua, hàng chục máy móc, thiết bị và hàng trăm lao động thực hiện “giải cứu”. Khoảng 4h sang mai (13/10) sẽ thông đường sắt trên đường số 1 ga Lâm Giang với tốc độ 5km/h.

Tuyến tàu bị chôn vùi ở Yên Bái do sạt lở đất ngày 9/10

Trước đó, khoảng 20h ngày 9/10, tại khu vực Ga Lâm Giang, tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến đất từ trên núi cao, sụt trượt tràn qua đường bộ xuống đường sắt, lấp kín cả 3 đường ga đoạn từ Km209+960 đến Km210+060. Khối đất lấp bình quân cao khoảng 12m, rộng khoảng 45m.

Vụ sụt lở đã khiến 3 đường ga bị biến dạng, đường ga số 3 bị dịch chuyển ngang khoảng 3m (tại vị trí sát khối sụt) trên phạm vi 130m. Đất sụt làm đổ và vùi lấp 6 toa xe hàng đang dừng trên đường ga số 1.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), hoạt động “giải cứu” được thực hiện trong 3 ca liên tục mỗi ngày với nỗ lực thông đường bộ và đường sắt trong thời gian nhanh nhất. Lúc 18h hôm nay (12/10) đã thông xe tuyến đường bộ.

ĐSVN cho biết, tính đến 16h chiều nay, khối lượng cứu chữa hoàn thành đã đạt 55%. Khu vực cứu chữa, khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi mặt. Dự kiến, 4h sáng mai (13/10) sẽ thông đường sắt trên đường số 1 ga Lâm Giang với tốc độ 5km/h.

Hiện nay, do địa bàn thi công chật hẹp, khó khăn, không thể đưa thêm máy móc, thiết bị vào vị trí bị sạt lở để thi công. Mặt khác, kết quả khảo sát cho thấy khu vực giáp núi đã sạt (hai phía Hà Nội và Lào Cai) đều có các vết nứt đã tụt sâu so với mặt đất tự nhiên của sườn núi từ 14cm đến 140cm, khe nứt rộng từ 15cm đến 30cm.

ĐSVN cho hay, hai cung trượt này có nguy cơ sụt rất cao nếu mưa lớn, vì vậy ĐSVN cử người tiếp tục theo dõi khu vực núi có hiện tượng sạt để kịp thời xử lý. Để có thể nhanh chóng thông tàu đạt mục tiêu tiến độ đề ra, ĐSVN Tiếp tục tổ chức thi công xúc chuyển đất đá sụt, tổ chức cẩu, di chuyển các toa xe bị vùi lấp ra khỏi khu vực…

Khi có mặt đường ga số 1 sẽ cho đặt tà vẹt, rải ray, vận chuyển đá, vào đá, nâng chèn lần 1 để trả đường thông tàu với tốc độ 5km/h qua đường ga. Sau khi thông tàu đường số 1 sẽ tiếp tục tổ chức cứu chữa, khôi phục đường chính tuyến số 2 và đường ga số 3.

Trong những ngày qua, mưa lớn cũng đã gây ngập lụt nhiều vị trí đường sắt tại các khu vực Thanh Hóa, Đồng Giao, Bỉm Sơn, Đò Lèn trên tuyến đường sắt Thống nhất.

Trong những ngày qua, mưa lớn cũng đã gây ngập lụt nhiều vị trí đường sắt tại các khu vực Thanh Hóa, Đồng Giao, Bỉm Sơn, Đò Lèn trên tuyến đường sắt Thống nhất.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP