Kinh tế

1 triệu doanh nghiệp vào 2020: Mục tiêu đầy thách thức

Theo mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 35/2015/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 1 triệu DN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến e ngại khó đạt mục tiêu này.

Cần có sự hỗ trợ để DN có đủ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: ST.

Con đường tiên liệu gập ghềnh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm 1/7/2018, cả nước có 702.710 DN đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế. Đây là những DN nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục Thuế có mã số thuế, không tính những DN giải thể, DN ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh. Trong đó, có 674.759 DN tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được.

Được biết, trong tổng số 674.759 DN nói trên có 560.417 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có 80.948 DN đang tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh và có 33.394 DN ngừng hoạt động chờ giải thể. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu so với con số DN thành lập mới trung bình trong những năm gần đây thì để hoàn thành mục tiêu có 1 triệu DN vào 2020, mỗi năm phải có khoảng 150 nghìn – 200 nghìn DN thành lập mới, mục tiêu này hoàn toàn không khả thi (cụ thể, năm 2016, DN thành lập mới là 120 nghìn DN và năm 2017 là gần 130 nghìn DN). Về vấn đề này, báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đều có chung một nhận định: Đây là một mục tiêu đầy thách thức.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chúng ta mới chỉ có 600.000 DN đang hoạt động và để đạt được mục tiêu 1 triệu DN sau 2 năm nữa, mỗi năm, chúng ta phải có thêm ít nhất trên 200.000 DN mới ra đời. “Nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Bất khả thi vì tốc độ thành lập các DN mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”, trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là DN, đang đóng góp tới 30% GDP và là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng DN”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, điểm nghẽn thể chế ở đây là chúng ta chưa có được một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các DN nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các DN này không chỉ không bất lợi so với các DN lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.

Trước đó, liên quan đến vấn đề phấn đấu có 1 triệu DN vào năm 2020, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cũng có nhận định, nếu tính cả số DN giải thể hàng năm thì mỗi năm phải có khoảng 130.000 DN thành lập mới, nhưng hiện, bình quân Việt Nam có 120.000 DN thành lập mới/năm, và với tốc độ này thì có thể mục tiêu sẽ không đạt được.

Chưa kể, ngay trong năm 2018, xu thế DN thành lập mới đang giảm đi trong khi DN ngừng hoạt động tăng cao cũng là điều đáng lo ngại. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp 2,8% (cùng kỳ tăng 15,4%), số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 48,1% (cùng kỳ tăng 9,4%), số doanh nghiệp giải thể tăng 32,1%, (cùng kỳ tăng 4,4%). Như vậy, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 77 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.

Cần đột phá vào điểm nghẽn

Theo ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, mục tiêu 1 triệu DN vào 2020 gần như khó đạt được vì nhìn chung trên thị trường tỷ lệ DN thành lập mới thấp trong khi tỷ lệ DN dừng cuộc chơi lại cao hơn nhiều, DN quay lại thị trường không nhiều, đây là nghịch lý. Chưa kể, Ngân hàng Thế giới vừa hạ bậc môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, thị trường của DN Việt Nam phụ thuộc nhiều vào FDI, DNVVN của Việt Nam cũng muốn làm DN phụ trợ cho FDI nhưng rất khó và nếu không có thị trường thì ngày càng có ít DN được thành lập mới. Thị trường đang ngày càng tóp lại. Hiện 95% DN khởi nghiệp phải rời thị trường trong 3 năm đầu tiên, nói như vậy để thấy kinh doanh khó như thế nào. Chưa kể mục tiêu là 1 triệu DN nhưng kèm theo đó phải là chất lượng, ví dụ bao nhiêu % trong số đó phải lên sàn…

“Khó không chỉ là không đạt được về số lượng mà còn khó vì chất lượng của 1 triệu DN là như thế nào. Trong 1 triệu DN đó có bao nhiêu DN dẫn dắt, đầu tàu kéo theo hàng trăm DN vệ tinh làm phụ trợ và đủ khả năng cạnh tranh với DN FDI? Bức tranh DN dẫn dắt ở Việt Nam còn rất mờ. Chúng ta cũng phải có những DN lớn như thế thì phát triển DN mới nhanh được”, ông Mạc Quốc Anh nói thêm.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mục tiêu khó đạt được, song nếu thực sự nỗ lực để hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh thì có thể tiệm cận được mục tiêu này. Theo ông Phạm Đình Thúy, Chính phủ phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô để DN yên tâm đầu tư, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa các rào cản kinh doanh. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ để DN có đủ vốn, hỗ trợ DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lao động... Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, “Việt Nam hiện có trên 5,14 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 2,3% hộ có đủ điều kiện để phát triển thành DN. Do đó, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là một thách thức nhưng nếu quyết tâm vẫn làm được”.

Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần có chế tài xử lý mạnh và nghiêm khắc những cán bộ gây khó dễ cho DN, nhưng như thế chưa đủ. Ông Nam cho rằng, trước hết cần thay đổi cơ chế quản lý, hay còn gọi là công nghệ kỹ trị phải được quan tâm trước. Có công nghệ quản lý khoa học thì con người không có nhiều cơ hội để can thiệp, gây khó dễ cho DN. Phải áp dụng Chính phủ điện tử từ Trung ương tới địa phương, thay vì con người làm việc trực tiếp thì dùng Chính phủ điện tử, điều này sẽ giúp đạt mục tiêu kép: Tính mạnh bạch, khả năng tiếp cận giữa cán bộ với dân ít đi, tiết kiệm thời gian cho DN, lưu trữ tốt và khó xóa dấu vết. Đây là điều cần tập trung làm vì có như vậy mới cải cách đươc cơ bản.

“Cộng hưởng với những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính… với phương châm chính sách là “Tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp”, theo tinh thần thực thi “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng” thì sẽ khởi động được một hành trình nâng cấp, chính thức hóa khu vực kinh tế tư nhân - chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN. Với hành trình này, mục tiêu có được 1, 2 hay 3 triệu... DN ở nước ta, tưởng như xa vời, sẽ lại là mục tiêu trong tầm tay với”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng:

“Tính đến thời điểm này đã có 702.000 DN đang hoạt động trên cả nước. Trong hai năm nữa, cần phấn đấu có thêm 300.000 DN. Để đạt được điều này, cần triển khai hỗ trợ các chính sách, chương trình của DN theo Luật Hỗ trợ DNNVV. Cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận các yếu tố đầu vào, tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho DN. Đồng thời, cần khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích phát triển DN lớn trong nước để là đầu tàu, lôi kéo, tạo sức lan tỏa. Với các giải pháp này, tin rằng, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 có thể đạt được”.

(Ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 27/10/2018,
kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV).

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:

“Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện. Tuy nhiên mục tiêu đạt được và duy trì 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 không phụ thuộc vào 1 chỉ số là Khởi sự kinh doanh. Để đạt được 1 triệu DN hoạt động chúng ta phải giải bài toán DN thành lập mới – DN giải thể, phá sản cộng với DN đang hoạt động. Đồng thời cần môi trường kinh doanh có chất lượng, an toàn, ít rủi ro cho DN để DN tồn tại, hoạt động và phát triển một cách bền vững”.

Tác giả: Hoài Anh

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP