Giáo dục

Yêu cầu Bộ GD-ĐT làm rõ khoản “lỗ 3 năm liên tiếp” khi làm sách giáo khoa

Cho rằng doanh thu của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ việc bán SGK giáo dục phổ thông là rất lớn, UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội yêu cầu Bộ GD-ĐT làm rõ báo cáo “lỗ 3 năm liên tiếp” của đơn vị này...

UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là cơ quan tiến hành khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017.

Tính cả sách giáo khoa, sách tham khảo, sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục thì tỷ lệ số sách do nhà xuất bản Giáo dục in, phát hành chiếm tới 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc

Tính cả sách giáo khoa, sách tham khảo, sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục thì tỷ lệ số sách do nhà xuất bản Giáo dục in, phát hành chiếm tới 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc

Mâu thuẫn trong việc nhà xuất bản Giáo dục báo lỗ sách giáo khoa

Báo cáo kết quả khảo sát vừa được hoàn thành, gửi tới các vị đại biểu Quốc hội của UB Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, sản lượng in SGK những năm gần đây rất lớn. Chỉ riêng năm 2017, số sách in là 107.807.120 bản sách/tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục thì tỷ lệ này lên tới 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.

Doanh thu từ bán SGK giáo dục phổ thông những năm gần đây cũng lên khoảng 1000 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận từ SGK hằng năm tăng, trong đó năm 2016 tăng 72 tỷ đồng, năm 2017 là 150,8 tỷ đồng. Mức chi chiết khấu phát hành SGK GDPT 25% (khoảng 250 tỷ đồng/năm) được cho là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành vốn.

UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, điều này, ngoài việc gây ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in và các tổ chức, cá nhân liên quan khác.

Cơ quan thực hiện khảo sát khẳng định còn mâu thuẫn với việc báo lỗ liên tiếp ba năm gần đây của nhà xuất bản Giáo dục.

Cụ thể, theo báo cáo của nhà xuất bản Giáo dục, do giá bán SGK thấp nhưng giá giấy, nguyên liệu in, gia công thành phẩm, chi phí vận chuyển, chi trả lương cho nhân công... tăng gấp nhiều lần, nên trong những năm gần đây nhà xuất bản này phải bù lỗ cho việc xuất bản SGK, trong đó năm 2015 lỗ 45,92 tỉ đồng; năm 2016 lỗ 48,22 tỉ đồng; năm 2017 lỗ khoảng 40 tỉ đồng.

UB Văn hoá, Giáo dục nhấn mạnh, đây là vấn đề cần được Bộ GD-ĐT làm rõ.

“Lắt léo” được chỉ ra là giá bán bộ SGK thấp nhưng đi kèm bộ sách còn có hệ thống sách bài tập in sẵn và tài liệu bổ trợ có giá tương đương hoặc cao hơn. Theo UB Văn hoá, Giáo dục, nếu tính cả số tiền mua sách bài tập và tài liệu bổ trợ, phụ huynh, giáo viên phải trả số tiền gấp đôi hoặc hơn nữa.

Mặc dù Bộ GD-ĐT có hướng dẫn việc sử dụng SGK và chỉ công bố bộ SGK chính kèm giá bán nhưng việc phổ biến rộng rãi về loại sách bắt buộc phải mua và loại sách được tự chọn tới phụ huynh học sinh chưa được tốt. Do vậy, trên thực tế, hầu hết phụ huynh mua trọn bộ SGK bao gồm cả sách bài tập và tài liệu bổ trợ.

Sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục: Cũng nhà xuất bản Giáo dục độc quyền

Vấn đề lãng phí nhiều năm qua do tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, làm tăng gánh nặng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội, UB Văn hoá, Giáo dục cho biết, qua khảo sát cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do việc biên soạn, thiết kế sách chưa hợp lý. Cơ quan biên soạn đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với các “câu lệnh” để học sinh Điền/Viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn Đúng/Sai, Nối, Khoanh, Vẽ, Đánh dấu, Tô màu,…vào nhiều cuốn SGK trong khi đã có sách bài tập in sẵn bán kèm theo.

Ngoài ra, chất lượng giấy in, đóng quyển SGK một số môn như Toán, Ngữ văn... của bậc THCS ,THPT chưa bảo đảm (giấy mỏng, nhanh cũ, dễ rách, màu tối, dễ bung bìa) cũng khiến cho SGK khó có thể tái sử dụng qua các năm.

Việc chỉnh lý một số nội dung trong sách do thay đổi về đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng SGK tuy đã được Bộ GD-ĐT quan tâm nhưng công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành, sử dụng SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT chưa sát sao, quyết liệt để có điều chỉnh kịp thời.

UB Văn hoá, Giáo dục nêu con số khái quát, số SGK được sử dụng lại mới đạt khoảng 35%.

Riêng việc xuất bản, in, phát hành bộ sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, cơ quan khảo sát nêu rõ là còn nhiều bất cập. Tuy là sách thí điểm, nhưng hàng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục tăng đột biến. Năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu này là 5.307.733 bản (tương tương 5% SGK giáo dục phổ thông năm 2000), tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là 10.793.844 bản (khoảng 10% SGK giáo dục phổ thông năm 2000), tăng gấp 5 lần so với năm 2014.

Cùng với đó, giá bán một bộ sách VNEN cũng cao gấp 4 lần giá một bộ SGK giáo dục phổ thông năm 2000 đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5,6 và 7. Tính tổng giá tiền bộ SGK 2000 có sách bài tập và sách bổ trợ kèm theo thì giá bộ sách VNEN gấp khoảng 1,6 lần.

Đáng chú ý, SGK giáo dục phổ thông 2000, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đều cùng do nhà xuất bản Giáo dục xuất bản, in và phát hành.

Khác với SGK giáo dục phổ thông năm 2000, các loại sách trong giai đoạn 2012-2017 không được bán trên thị trường mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của nhà xuất bản Giáo dục và thông qua Sở GD-ĐT các tỉnh thành, phòng GD-ĐT các quận/huyện/thị xã tới các trường tiểu học, THCS, trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hàng năm.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP