Giáo dục

Xúc động chuyện giáo viên vùng cao “giữ chân” học trò

Cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn khiến nhiều em dang dở ước mơ đến trường để mưu sinh. Thế nhưng, với mong muốn học trò của mình thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, giáo viên trường vùng cao xã Đắk R’măng đã không quản ngại khó khăn để “giữ chân” học sinh của mình ở lại trường.

“Bắt” trò đi học

Tháng 3/2017, Giàng A Hà (học sinh lớp 8) đột nhiên nghỉ học. Nghe bạn cùng phòng thông báo với các thầy cô, Hà phải ở nhà lấy vợ. Mới 16 tuổi, nhưng theo phong tục của người Mông, Hà đã đến tuổi lập gia đình nên bố mẹ cậu bé đã hỏi cho Hà một cô gái trong bản về làm vợ.

Ngày biết tin Hà nghỉ học lấy vợ, thầy cô giáo phải vào tận nhà em để tìm hiểu sự việc, thế nhưng khi thầy cô giáo trường THCS bán trú Đắk R’Măng vào đến nơi thì lễ cưới của Hà cũng hoàn tất. Cậu bé tâm sự rằng, nhà nghèo, lại thiếu người lao động nên bố mẹ cưới vợ cho em ấy. Mặc dù rất muốn đi học, nhưng ngại các bạn ở trường trêu chọc, lại phải làm tròn nghĩa vụ của người chồng nên có lẽ Hà sẽ không quay lại trường nữa.

Thầy cô của trường không biết bao nhiêu lần đi vận động, “bắt” các em về lại trường

Hà là cậu học trò ham học, lại có năng khiếu ca hát nên được thầy cô trong trường rất yêu quý. Trong bản, Hà cũng là một trong số ít những đứa trẻ học đến lớp 8. Chính vì vậy thầy cô trong trường đã ra sức thuyết phục gia đình cho Hà quay lại trường. Tuy nhiên, việc đó không hề dễ dàng khi bố mẹ, người vợ sắp cưới lại muốn em ở nhà.

“Cô vợ thì khóc đứng khóc ngồi, sợ chồng đi học là bỏ mình, còn bố mẹ thì bảo ở nhà đi làm mua gạo. Chúng tôi dùng đủ mọi lý lẽ để thuyết phục gia đình nhưng phải đến khi hứa là sẽ cấp gạo cho em, cuối tuần cho em về nhà thăm vợ thì gia đình mới cho em quay lại trường. Hiện tại, cậu học trò Giàng A Hà vẫn tiếp tục đi học, ở nội trú cùng các bạn và đến cuối tuần thì về thăm vợ 2 ngày”, thầy Trần Văn Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS Đắk R’măng kể lại.

Theo thầy Hạnh, không riêng gì Giàng A Hà, từ ngày thành lập trường đến nay, thầy cô của trường không biết bao nhiêu lần đi vận động, “bắt” các em về lại trường. Nhiều em đi học, nhưng tư tưởng không vững chắc, nghe bạn bè rủ rê lại muốn về nhà chơi, hoặc lấy chồng.

Thầy Hạnh nhớ lại, năm trước có em Đàm Thúy Ngà (học sinh lớp 6) những ngày đầu phải xa bố mẹ để học bán trú, ngày nào cũng khóc và nhiều khi còn định trốn về nhà. Có đêm, em khóc lớn, nhiều bạn khác cùng khóc theo, thầy cô phải gọi mẹ em lên ngủ cùng một đêm để làm công tác tư tưởng. Sau đêm đó, để Ngà yên tâm học tập, các giáo viên nhiều hôm gặp gỡ, tâm sự để em quên đi nỗi nhớ nhà.

Được ăn đủ chất, phát triển mọi mặt nên nhiều học sinh rất thích đi học

Sáng là thầy cô, tối là bạn bè

Cuộc sống nội trú khó khăn thiếu thốn nhưng tình cảm thầy trò luôn sâu sắc, ấm áp. Cũng vì ở xa, nên những lúc ốm đau đột xuất, người nhà không thể đến kịp thời, thầy cô lại kiêm luôn việc chăm sóc các em từ viên thuốc, đến bát cháo trở thành những người bạn của học sinh nội trú. Có khi nửa đêm, một em ốm đau là từ hiệu trưởng, hiệu phó cho đến giáo viên đều như ngồi trên đống lửa. Bệnh cảm xoàng thì được, chứ bệnh nặng thì dù mưa gió cũng phải khăn gói để đưa em lên trạm xá kịp thời.

Thầy Nguyễn Tài Thành kể lại kỷ niệm cả trường nháo nhào lên vì nữ sinh Thào Thị Dụ (học sinh lớp 6) lên cơn đau tim. Hôm đó đã quá 12 giờ đêm, trời lại mưa gió, bốn thầy cô đang trực tại trường nhận được tin Dụ đang lên cơn đau tim trong phòng. Sợ nếu chờ trời sáng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của nữ sinh này, nên ngay trong đêm thầy cô phải mặc áo mưa chở em lên bệnh xá để sơ cấp cứu. Sau đó, hai thầy cô giáo tiếp tục vượt gần 70km nữa để đưa em đến Bệnh viện tỉnh điều trị, hai thầy cô khác thì về bản báo tin cho bố mẹ Dụ biết.

Thầy cô còn thay nhau đến tận phòng tâm sự, trở thành những người bạn thực sự của học sinh.

Những năm nay, trước tình trạng tảo hôn thường xuyên diễn ra tại một số bản người Mông, nhiều học sinh của trường cũng bị bố mẹ giục về cưới, nên thầy cô còn thay đến tận phòng các em để làm công tác tư tưởng, trở thành những người bạn thực sự của học sinh. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, nhằm nâng cao chất lượng của học sinh, vào những buổi tối, thầy cô giáo tham gia trực ký túc xá còn nhận dạy kèm miễn phí cho các học sinh yếu.

Cô Trịnh Thị Thanh My chia sẻ: “Phần lớn các em ở lại ký túc xá là người đồng bào Mông, ở xa lắm. Ngày trước học tiểu học, các em phải tự nấu cơm ăn, chỉ có cơm rau thôi, giờ vào ở ký túc của trường, được ăn cơm đầy đủ chất nên em nào cũng thích ở trường. Buổi tối, các em nữ được tập hát, tập múa còn các em nam tập sáo với đàn, những em yếu có nhu cầu học thêm sẽ được giáo viên dạy kèm miễn phí, nên em nào cũng thoải mái, phấn khởi”.

Buổi tối, thầy cô nhận dạy kèm miễn phí cho học sinh nội trú

Trường THCS bán trú Đắk R’Măng đóng chân tại xã vùng cao Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long), với hơn 90% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy Trần Văn Hạnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù là mô hình trường bán trú, nhưng phần lớn học sinh của trường lại ở nội trú do các em ở đây đều có chung hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà ở xa từ 7-30 km.

Hàng ngày, ngoài việc giảng dạy trên lớp, các giáo viên còn là những người bạn luôn gần gũi, giúp đỡ, đặc biệt là giữ chân các em ở lại trường. Trong những năm qua, nhà trường đã hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng học sinh liên tục được nâng lên khi các em đạt được những thành tích cao tại các cuộc thi cấp huyện và tỉnh.

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP