Kinh tế

Xuất khẩu nông nghiệp đạt 35 tỷ USD nhưng sao bà con nông dân lại lỗ?

Đề cập tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (khóa XIV) sáng nay (17/10), ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam băn khoăn, tại sao lĩnh vực nông nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu đạt 35 tỷ USD nhưng bà con nông dân lại lỗ. Theo ông, cần phải xem lại vấn đề xuất khẩu, không nên quá coi trọng số lượng mà coi trọng chất lượng và giá trị gia tăng.

Sáng nay (17/10), tại Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội (khóa XIV) đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 6.

Tại phiên họp này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, theo đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ có nhiều đổi mới, quyết liệt và toàn diện hơn với nhiều biện pháp cụ thể.

Cụ thể, báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng GDP ước đạt được mức tăng trưởng đề ra cho cả năm là 6,7%. Trong đó, 13/13 chỉ tiêu kinh tế đều đạt mức tăng đạt và cao như công nghiệp, xây dựng tăng cao đạt 7,6%, khu vực dịch vụ tăng mạnh đạt 7,6%, nông lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, trong đó đáng chú ý là xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 202 tỷ USD.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) đánh giá: Tình hình kinh tế 9 tháng qua đã tăng trưởng vượt bậc. Về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Việt Nam đã thăng 5 hạng. Đây là những điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên Chính phủ cần có chính sách vấn đề đồng tiền ảo.

“Nó cứ như ánh sáng mặt trời chiếu xuống ai dùng thì dùng, ai không dùng thì mặc kệ. Do vậy chúng ta phải xem xét nên công nhận đồng tiền ảo trong tính thanh khoản để đưa ra biện pháp quản lý một cách tốt nhất, không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tài chính quốc gia”, ông Quốc nói.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 6 tại Đà Nẵng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng, tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản rất chậm. 9 tháng nhưng chỉ giải ngân đạt 5,1% là quá thấp.

“Vấn đề đặt ra là nếu năm 2017 chúng ta đạt 6,7% nhưng vì sao năm 2018 chỉ đặt chỉ tiêu có 6,5%? Là người đang có thể lực tốt như vậy vì sao chúng ta phải rút chỉ tiêu xuống?”, ông Lợi đặt câu hỏi.

Theo ông Lợi, tình trạng các doanh nghiệp không có đơn đặt hàng, thiếu việc làm, đẩy lao động ra đang diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh, thành. Rồi tình trạng lao động nhảy việc quá nhiều. Đây là tình trạng xã hội nếu không ngăn chặn, tính toán thì rất nguy hiểm.

Ông Lợi cũng lo lắng về tình hình lao động nông thôn không có việc làm tràn ra thành thị, di cư tự do. Người nông dân bắt đầu bỏ đất cho cỏ mọc. Vì thế, cần phải quan tâm đến vấn đề này.

Đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp, ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho hay, vừa rồi, Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương đã quyết định ban hành một số nghị quyết như coi kinh tế tư nhân là động lực, Nghị quyết Trung ương 4… đặc biệt dư luận đánh giá cao trong phòng chống tham nhũng, đã tạo ra những động lực cho ngành kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Môn, huy động nguồn lực trong xã hội còn rất thấp, giải ngân chậm, tái cơ cấu các lĩnh vực tiến độ chậm cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.

Ông Lại Xuân Môn phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, ông Môn nói: “Lĩnh vực nông nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu đạt 35 tỷ USD nhưng bà con nông dân lại lỗ. Như xuất khẩu lợn qua Trung Quốc lỗ, xuất khẩu gạo thì lấy công làm lời, hay xuất khẩu than cũng lỗ. Vì thế cần phải xem lại vấn đề xuất khẩu. Bây giờ không coi trọng số lượng mà coi trọng chất lượng và giá trị gia tăng”.

Theo ông Môn, xuất khẩu lớn mà lỗ là do chi phí đầu vào lớn. Ông lấy ví dụ vừa rồi ông có đi Ai Cập. Diện tích sản xuất nông nghiệp của Ai Cập chỉ 5% nhưng nông sản của họ rất rẻ. Nho ngon như nho Mỹ nhưng chỉ 11 ngàn đồng/kg.

“Nguyên nhân là tín dụng vay nông nghiệp ở nước họ chỉ bằng 1/4 các lĩnh vực khác, xăng dầu có 6.500 đồng/lít, xe ô tô của họ rất rẻ…”, ông Môn nói.

Cũng theo ông Môn, người dân nông ở Ai Cập được tiếp cận thức ăn chăn nuôi, phân bón đều lấy tận gốc, trong khi Việt Nam mình phải qua mấy trung gian. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng vậy.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội bàn thảo và đi đến thống nhất một số nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 mà Chính phủ đề ra. Theo đó, xác định mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung thực hiện các giải pháp chính, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, dự kiến GDP trong nước trong năm 2018 tăng 6-6,5%, hoặc có thể 7%.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng sẽ tiếp tục thẩm tra dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi) ; thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP