Kinh tế

Xuất khẩu còn khó khăn, khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra

“Việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2016 là 10% như Quốc hội đề ra là một nhiệm vụ khó khăn”, Bộ Công Thương thừa nhận.


(Ảnh minh hoạ).

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông, lâm, thuỷ sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,65 tỷ USD, giảm 39,4%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7%.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù kết quả xuất khẩu trên chưa cao nhưng là “đáng khích lệ” nếu so với nhiều nước trên khu vực và thế giới (Trung Quốc giảm 7,6%, Ấn Độ giảm 8%, Brazil giảm 3,4%, Indonesia giảm 13,6%).

Nguyên nhân dẫn tới kết quả xuất khẩu 6 tháng tăng trưởng chưa cao chủ yếu do các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… giảm nhu cầu nhập khẩu và tăng cường nhiều biện pháp rào kỹ thuật, yêu cầu chất lượng, đưa ra các quy định ngặt nghèo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, các đối thủ có nguồn cung tương tự với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đang gia tăng cạnh tranh đối với hàng hoá Việt Nam cả về lượng và về giá. Bên cạnh đó, một số chính sách trong nước cũng được đánh giá là đang tác động không thuận đến xuất khẩu trong thời gian qua.

Nhận định về tình hình trong 6 tháng cuối năm. Bộ Công Thương cho biết, xét theo yếu tố chu kỳ thì xuất khẩu 6 tháng cuối năm luôn cao hơn 6 tháng đầu năm khoảng 10% (năm 2014 là 11%, 2015 là 8,5%). Ngoài ra, xuất khẩu nhiều mặt hàng bắt đầu được hưởng lợi từ cá FTA đã ký kết.

Dù vậy, xuất khẩu dự báo sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do thời tiết không thuận lợi; biến động khó lường về giá dầu, tỷ giá tiền tệ; cạnh tranh từ các nước có cơ cấu hàng xuất khẩu tượng tự Việt Nam và các nước nhập khẩu tăng cường sử dụng các rào cản kỹ thuật và thương mại.

Về chủ quan, sản xuất nhóm nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu vẫn đang là quy mô nhỏ và tự phát, việc chuyển cơ cấu sang chế biến sâu, chất lượng cao vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nhiều mặt hàng như điện thoại, điện tử, dệt may… có giá trị xuất khẩu cao nhưng chưa có ngành công nghiệp phụ trợ, phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới nên dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả trên thế giới. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cũng làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Trước bối cảnh nêu trên, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2016 là 10% như Quốc hội đề ra là một nhiệm vụ khó khăn”, Bộ Công Thương thừa nhận.

Bộ Công Thương cũng dự báo, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản có thể đạt 7,12 tỷ USD, tăng 8%. Trong khi đó nhóm công nghiệp chế biến với các mặt hàng chủ lực đạt tăng trưởng trên 10% như dệt may đạt 28,5-29 tỷ USD; máy móc thiết bị đạt 9,5 tỷ USD; túi xách, mũ vải đạt 3,2 tỷ USD…

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường công tác vận động, ngoại giao kinh tế với các nước. Đồng thời, yêu cầu các Bộ ngành khác phối hợp để có các giải pháp về thuế, phí, truyền thông, tái cơ cấu các ngành, vốn...

Tác giả bài viết: Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP