Nuôi niềm ước mơ trở thành chiến sĩ Cảnh sát nhân dân từ nhỏ, em Lê Văn Đức (SN 1999, trú tại khóm 2, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã không ngừng nỗ lực học tập và đạt nhiều thành tích cao.
Với kết quả thi ngoài mong đợi, em đã vui mừng và hy vọng ước mơ ấy sẽ thành hiện thực. Song, với thông báo từ Ban tuyển sinh, Đức trở nên hụt hẫng và quyết định viết “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Một phần bức thư em Đức gửi Bộ trưởng Bộ Công an |
Mong mỏi của em Đức muốn được Bộ trưởng xem xét |
Trong bức thư gửi cho ông Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, em Đức thừa nhận mình đã không khai đầy đủ trong lý lịch và cho rằng, do thời điểm làm hồ sơ đăng ký dự thi em và gia đình không hề biết sự việc này.
Sau khi nhận được thông báo từ Công an huyện Đakrông và tìm hiểu từ những người quen biết, Đức không biện minh cho những việc làm của ba mình, bởi sự việc đã xảy ra hơn 33 năm trước và ba em đã mất cách đây 8 năm.
Đức nói nhiều đến nỗ lực vượt qua khó khăn để học tốt của bản thân. Đức từng đạt giải Nhất, giải Nhì cấp tỉnh môn Lịch sử, giải Khuyến khích Quốc gia môn Lịch sử và 12 năm liền là học sinh giỏi.
Thành tích học tập của em Đức. |
“Hôm nay, cháu viết những dòng này gửi đến bác, cũng coi như một lần dũng cảm mong được bác chiếu cố xem xét nguyện vọng được phê chuẩn lý lịch của cháu, bước đầu giúp cháu có cơ hội được như những thí sinh khác, có điều kiện xét tuyển hợp lệ vào trường Đại học Cảnh sát Nhân dân. Nếu một lần được vinh dự trao cho đặc ân này, cháu xin hứa sẽ cố gắng nỗ lực hết sức mình, dùng cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân” - Đức bày tỏ.
Em Đức (bên phải) cho biết, em mơ ước được trở thành chiến sĩ CSND từ nhỏ. |
Tiếp xúc với PV, em Đức cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, em đạt 25,3 điểm (tổng điểm ba môn Văn - Toán - Sử cộng với điểm ưu tiên khu vực và điểm thưởng cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia), kỳ vọng sẽ đậu vào ngành Nghiệp vụ Cảnh sát - Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc kì thi, Đức nhận được kết quả thẩm tra lý lịch từ đại diện Ban tuyển sinh Công an huyện Đakrông, rằng hồ sơ không đạt yêu cầu về lý lịch.
Đức nói rằng, lý do không đạt yêu cầu lý lịch như phía Công an huyện Đakrông thông tin là do ba em có hành nghề mê tín dị đoan.
Sau khi nhận được thông tin nói trên, Đức đã về địa phương tìm hiểu thì được biết việc ba của mình là ông Lê Văn Phúc (SN 1962, quê ở Trung Giang, Gio Linh, Quảng Trị), tham gia “hoạt động mê tín” cách đây hơn 30 năm, lúc còn là thanh niên.
Giấy chứng nhận kết quả thi của em Đức |
Qua lời kể của những người lớn tuổi ở quê, Đức biết được ba mình đã chạy chữa bệnh cho người dân bằng hình thức cúng bái, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Ba em không hành nghề mê tín dị đoan để lừa gạt người khác. “Nhưng chưa có thông tin nào khẳng định ba em gây hậu quả gì nghiêm trọng”, Đức cho biết.
Qua tìm hiểu cho thấy, hồ sơ tại Công an tỉnh Quảng Trị có ghi ông Phúc tham gia hành nghề mê tín gây hậu quả nghiêm trọng, bị Công an huyện Bến Hải (nay là huyện Vĩnh Linh) bắt ngày 8/1/1986.
Tuy nhiên, hồ sơ lưu trữ năm 1986 tại kho lưu trữ của Tòa án huyện Vĩnh Linh cho thấy không có hồ sơ vụ án hình sự hay bản án, quyết định liên quan đến ông Phúc.
Ông Hồ Sỹ Nhung - Trưởng Công an huyện Đakrông giải thích rằng, liên quan đến thí sinh Lê Văn Đức, đơn vị đã làm đúng quy định. “Chúng tôi chỉ được trả lời rằng Đức không đủ tiêu chuẩn chính trị” - ông Nhung cho biết.
Về phần mình, Đức mong mỏi được bước chân vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. “Em thích những hình ảnh về chiến sĩ Cảnh sát nhân dân bảo vệ bình yên cho quê hương. Em say mê những câu chuyện về ngành và cảm phục những tấm gương chiến sĩ công an quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc”, Đức nói.
Đức nói rằng, thời gian qua em đã nỗ lực để có được kết quả hôm nay và mong muốn được học tập ở trường ĐH Cảnh sát |
Em Đức tâm sự, gia đình Đức có 6 chị em. Khi ba mất, mẹ em đã gồng gánh để nuôi các em khôn lớn, thành người. Các chị gái đã có công việc ổn định. Mẹ em luôn động viên các con trong học tập và tự hào về mấy chị em.
Đức cũng bày tỏ niềm tin về ba mình. “Em tin ba em làm những việc ấy không phải trục lợi mà chỉ đơn thuần xuất phát từ cái tâm cứu người”, Đức nói.
Tác giả: Đ. Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí