Trong nước

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nhiều chủ tài khoản mạng xã hội đang cố tình lèo lái thông tin gây tổn hại tới an ninh quốc gia

LTS: Thời gian qua, nhiều trang mạng xã hội đã đưa những thông tin nhằm xuyên tạc tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam. Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài: Làm thế nào để chống nhiễu loạn thông tin xuyên tạc hiện nay.

Bắt đầu từ một thông tin tưởng như nhỏ nhưng sau đó nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã phát hiện ra một tội phạm kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, một điều đáng buồn, khi Trịnh Xuân Thanh đầu thú, những luồng dư luận của những thế lực thù địch đã sử dụng các mạng xã hội để suy diễn, cố tình biến một vụ án kinh tế, một kẻ tham nhũng phá hoại đất nước thành một vụ án chính trị.

Hơn một năm trước, bắt đầu từ dòng thông tin: chiếc Lexus 570 mang biển xanh chạy trên đường Hậu Giang, dư luận đã đặt dấu hỏi về việc, tại sao một quan chức cấp phó Chủ tịch UBND tỉnh như Trịnh Xuân Thanh lại được trang bị chiếc xe có giá trị tới 5 tỷ đồng và là xe công vụ?

Chỉ từ một thông tin nhỏ như vậy đã góp phần phanh phui ra cả một vụ án kinh tế nghiêm trọng diễn ra trong nhiều năm liền trước đó, khi Trịnh Xuân Thanh còn là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.

Được biết, vào năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó có nhiều đơn vị thành viên như PVC. Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận công bố vụ việc PVC thua lỗ 3.300 tỷ và nhiều vi phạm khác.

Thông tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú được đăng chính thống trên Cổng Thông tin Bộ Công an.

Sau khi phát hiện Trịnh Xuân Thanh dùng xe biển công vượt tiêu chuẩn, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc, tìm ra những mảng tối trong toàn bộ quá trình làm việc cũng như bổ nhiệm bị can này. Và tới tháng 9/2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Trịnh Xuân Thanh từ đó bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế.

Dẫn lại những tình tiết cơ bản như vậy để khẳng định một điều, đây là một vụ án kinh tế nghiêm trọng, tham nhũng, gây lũng đoạn nền kinh tế, bòn rút tiền thuế của người dân để lấp cho “đầy túi tham” của mình.

Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn được 300 ngày thì ra đầu thú. Đây cũng là một trong những nút thắt hết sức quan trọng bởi từ vụ việc này cơ quan chức năng có thể mở rộng điều tra để phát hiện ra “những phần chìm của tảng băng” trong quá trình quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Rõ ràng, từ khi xảy ra vụ việc, báo chí và mạng xã hội đã góp công lớn trong việc tạo dư luận, đồng hành, thúc đẩy thêm sức ép để các cơ quan chức năng quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Trịnh Xuân Thanh đầu thú đã mang lại niềm tin trong nhân dân và sức mạnh cho các cơ quan trực tiếp đang thực thi công lý.

Tuy nhiên, nhiều chủ tài khoản trên mạng xã hội và một số tờ báo nước ngoài đang cố tình lèo lái vụ án kinh tế nghiêm trọng này thành một vụ án chính trị và cho rằng Trịnh Xuân Thanh là nạn nhân chính trị, của đấu đá chính trị nội bộ, phe cánh.

Mục đích thâm hiểm của họ nhằm phủ nhận những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong phòng chống tham nhũng, dẫn tới hỗn loạn truyền thông với những suy diễn vô căn cứ có thể làm tổn hại tới an ninh quốc gia cũng như lòng tự tôn dân tộc. Nhiều chủ tài khoản đã từng lớn tiếng, mạnh miệng với việc gây áp lực với các cơ quan phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về để pháp luật trừng trị thì giờ đây lại vô lý đấu tranh cho một tội phạm tham nhũng bị truy nã quốc tế sau khi đầu thú.

Việc xử lý cán bộ thoái hóa biến chất không chỉ dừng lại ở Trịnh Xuân Thanh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri từng chia sẻ: "dư luận rất tốt, còn tất nhiên bên ngoài nói xấu, xuyên tạc, kiểu gì cũng nói được. Phải cảnh giác với những âm mưu kích động, nào là đấu đá nội bộ, phe này đánh phe kia. Sắp tới còn làm tiếp, nhưng làm thế nào thì không thể nói trước được. Chúng ta cứ làm đúng luật pháp, đúng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức".

Thời điểm này, mạng xã hội và các trang mạng nước ngoài đang lợi dụng công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam để suy diễn tình hình trong nước đặc biệt vụ việc của Trịnh Xuân, gây hoang mang dư luận, suy diễn tình hình chính trị tại Việt Nam. Người đọc lại càng cần phải chọn lọc thông tin để tìm cho mình những thông tin đúng đắn, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch.

Mới đây, ngày 31/7, tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo cũng nêu rõ: sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào. Người dân, báo chí và mạng xã hội lại càng cần đồng lòng, cùng chung tay tiếp sức cho công cuộc phòng chống tham nhũng đi tới hiệu quả, diệt trừ quan tham, mang lại niềm tin trong nhân dân./.

Tác giả: Thái Tùng

Nguồn tin: Báo Tổ quốc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP