Một ngày sau khi clip bạo hành trẻ em lan truyền trên mạng xã hội, người dân thôn 6 (xã Kiến Thành huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) - được xác định là nơi xảy ra vụ việc vẫn chưa hết bức xúc và xót xa. Theo nhiều người dân sinh sống gần đó, điểm giữ trẻ này do bà Phạm Thị Vấn (SN 1957, ngụ Đắk Wer) mở, hoạt động được hơn 1 năm nay, phần lớn các cháu là con em lao động nghèo và chưa có điều kiện đi học tại các trường mầm non.
Ngay sau khi sự việc được phát hiện, cơ quan chức năng của huyện Đắk R’lấp và chính quyền xã Kiến Thành đã tiến hành điều tra, xác minh. Thông tin bước đầu xác định, đây là điểm trông giữ trẻ tự phát và chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động.
Chiếc gậy bà Vấn dùng để cọ rửa cho các cháu. |
Trao đổi về điểm giữ trẻ này, lãnh đạo xã Kiến Thành cho biết, địa phương này chưa cấp phép để điểm giữ trẻ của bà Vấn hoạt động. Bà Vấn cũng chưa bao giờ làm tờ trình để xin cấp phép. Mặc dù nằm ngay trên đường quốc lộ, nhưng điểm giữ trẻ lúc nào cũng đóng kín cửa, chính vì thế địa phương gặp khó khăn trong việc kiểm tra, quản lý.
“Hiện tại, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ, một số điểm giữ trẻ tự phát chưa được cấp phép đã bị yêu cầu giải tán”, vị này nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk R’Lấp cho biết, không riêng gì xã Kiến Thành, hiện địa bàn huyện có 44 cơ sở và điểm giữ trẻ tư nhân, nhưng chỉ có 11 điểm giữ trẻ là được cấp phép hoạt động. Đây cùng là 1 trong 4 huyện của tỉnh Đắk Nông tồn tại điểm giữ trẻ không phép hoạt động.
Số lượng các điểm trông giữ trẻ tư nhân nhiều, nhưng công tác quản lý nhóm trẻ ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn bởi cả phụ huynh lẫn các cơ sở không hợp tác, trong khi đó Phòng chỉ phụ trách lĩnh vực chuyên môn, quyền kiểm tra hành chính các điểm trông giữ trẻ là của xã.
Bà Vũ Thị Hiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk R’Lấp cho biết: “Hàng năm Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT đều có công văn đề nghị các địa phương cùng trường học tăng cường rà soát điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ đồng thời rà soát việc cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, tại nhiều điểm giữ trẻ tự phát, khi đoàn đến kiểm tra, người trông giữ lại bế một số cháu sang gửi nhà hàng xóm, số cháu còn lại thì họ khẳng định đó là con cháu của họ nên chúng tôi rất khó xử lý.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ thể cháu Đ. |
Đối với nhóm trẻ của bà Vấn, Phòng GD-ĐT cũng đã có vài lần đến để kiểm tra và yêu cầu hoàn thiện để đủ điều kiện để cấp phép. Khi để xảy ra tình trạng như thế này thì đây cũng là một điều rất đau lòng”.
Liên quan đến sự việc, bà Thị H’ Nhó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp cho biết, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng qua sự việc, huyện đã chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn cần phải nhanh chóng rà soát các cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Huyện yêu cầu đình chỉ những nơi không được cấp phép, nhóm trẻ tự phát và chưa đủ điều kiện cấp phép ngay trong ngày 28/12.
“Kể từ khi thành lập huyện đến nay, đây là lần đầu tiên ngành giáo dục gặp phải một sự cố đau lòng như vậy. Bản thân tôi nhận thấy đây là vấn đề rất nghiêm trọng, đáng phải lên án vì đã vi phạm quyền trẻ em” - bà H’Nhó khẳng định.
Ngày 28/12, UBND huyện Đắk R’lấp cũng đã có báo cáo ban đầu gửi các cơ quan chức năng liên quan đến việc bé trai Đ.Đ.M.Đ. (SN 2015, trú thôn 13, xã Đắk Wer) bị bạo hành.
Theo báo cáo, lúc15h ngày 25/12, bà Vấn phát hiện bé trai đi vệ sinh ra quần nên đưa ra ngoài khu đất sau nhà để bé đứng trong thùng nhựa đựng nước. Lúc này, bà Vấn dùng một gậy tre bọc vải để chùi rửa từ vùng mông xuống chân. Trong quá trình vệ sinh, cháu bé khóc nên người phụ nữ đã dùng tay đánh một cái trúng vùng đỉnh đầu. Sau đó, bà Vấn dùng tay túm phần cổ áo xách cháu bé ra ngoài rồi tiếp tục đánh một cái vào đầu.
“Thời điểm xảy ra vụ việc, một người đàn ông đang dừng nghỉ uống nước tại quán cà phê tiếp giáp với điểm giữ trẻ của bà Vấn phát hiện, ghi hình vụ việc và đăng tải clip lên mạng xã hội Facebook... Tại cơ quan điều tra, bà Vấn khai nhận hành vi đánh cháu bé”, báo cáo nêu rõ.
Tác giả: Dương Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí