Vi phạm luật lao động
Chiều ngày 18/8, trao đổi với PV Dân trí, thầy Lương Văn Chinh, giáo viên (GV) Tin học, Trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: “Tôi được cử làm đại diện cho 51 GV bị thôi hợp đồng soạn thảo đơn khiếu nại, về việc Phòng GD&ĐT, UBND huyện Tây Hòa “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”. Nếu hai cơ quan trên, không giải quyết thấu tình đạt lý thì chúng tôi sẽ tiếp tục khởi kiện ra tòa.
Thầy Lương Văn Chinh tuyên bố sẽ kiện phòng GD&ĐT và UBND huyện Tây Hòa nếu không giải quyết thấu tình đạt lý. |
Trong đơn khiếu nại nêu rõ: "Thứ nhất là sai về Hợp đồng lao động (HĐLĐ), từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã liên tục giảng dạy và được Phòng GD&ĐT Tây Hòa 4 lần ký HĐLĐ nhưng tất cả đều là HĐLĐ có thời hạn (1 năm, 1 năm, 3 năm và 1 năm), có HĐLĐ được ký cách nhau hơn 30 ngày; điều này là sai so với quy định của Bộ luật lao động năm 2012 của chính phủ (Điều 22, khoản 2).
Thứ hai: Người sử dụng lao động, không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc, sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật lao động; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Như vậy việc cắt hợp đồng với cô: Ngô Thị Thu đang mang thai, Trần Thị Hiền đang nuôi con nhỏ 7 tháng tuổi và các giáo viên khác là trái với quy định Bộ luật lao động năm 2012 của Chính phủ."
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với luật sư Nguyễn Khả Thành - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên. Luật sư Thành cho biết “căn cứ Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012, đơn vị sử dụng lao động chỉ được ký HĐLĐ có thời hạn tối đa 2 lần; sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Trường hợp các GV trên, theo Nghị định 88/CP, đơn vị ký HĐLĐ đã vi phạm quy định về giao kết hợp đồng (mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động).
Thầy Nguyễn Tấn Song, GV môn Thể dục, trường THCS Đồng Khởi chỉ rõ những sai phạm trong việc ký HĐLĐ của phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa. |
Còn về việc sa thải người lao động đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Luật sư Thành nói, theo Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012, đơn vị sử dụng LĐ đã vi phạm khi sa thải các trường hợp này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ.
Có sự không công bằng ở đây
Trong đơn khiếu nại nêu rõ: "Việc UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa giữ lại hợp đồng giảng dạy đối với 50 GV, mà cho rằng đang thiếu chỉ tiêu cũng không rõ ràng minh bạch. Đáng lưu ý, trong số 50 GV trên, có 13 GV vừa thi hỏng trong kỳ thi tuyển viên chức năm 2015.
Bên cạnh đó, nhiều GV còn được đánh giá là năng lực yếu, hoàn thành ở mức trung bình khá nhiệm vụ. Còn đối với 51 GV bị sa thải, chúng tôi đạt nhiều thành tích trong công việc giảng dạy như: chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, GV dạy giỏi cấp Tỉnh, cấp Huyện, được nhận giấy khen từ UBND tỉnh, huyện, Phòng GD&ĐT... Trong số chúng tôi có một số thuộc diện gia đình chính sách: con thương binh, liệt sĩ...".
Nhiều giáo viên cho rằng, việc ký lại hợp đồng đối với 50 GV có sự không minh bạch rõ ràng. |
Cô Trần Thị Phương, GV trường THCS Nguyễn Anh Hào nói: "Tôi thuộc diện gia đình có cha lẫn mẹ là thương binh, nuôi con nhỏ 5 tuổi và tôi cũng là lao động chính trong gia đình. Xét về điều kiện kinh tế, gia đình tôi thuộc diện khó khăn, còn 50 GV được hợp đồng lại nhiều GV có điều kiện tốt hơn nhiều. Vậy sa thải tôi có thực sự công bằng?".
Còn theo thầy Nguyễn Tấn Song, GV môn Thể dục, trường THCS Đồng Khởi nói: "Trong 50 GV được hợp đồng lại có nhiều thầy cô là họ hàng với cán bộ phòng GD&ĐT Tây Hòa, việc này là thế nào, có uẩn khúc gì không?".
Riêng cô giáo Ngô Thị Thu , GV môn Lịch Sử, Trường THCS Nguyễn Thị Định, Tây Hòa cho biết, đã bị sốc tinh thần nặng khi nhận thông báo bị cắt hợp đồng, ảnh hưởng sức khỏe khi đang mang thai hơn một tháng. “Tôi vừa được chuyển viện từ Phú Yên vào TP.Hồ Chí Minh để điều trị việc động thai, suy kiệt sức khỏe…” - cô Thu mệt mỏi nói.
Trao đổi với PV Dân trí về các khiếu nại trên, bà Trương Thị Dân, Trưởng Phòng GD&ĐT Tây Hòa thừa nhận về việc, có hợp đồng lại 13 trường hợp thi viên chức trượt, nhưng bà không thể nói chi tiết được vì bà thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, chứ không thể chống lệnh.
PV liên hệ với ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa thì ông Chân nói: “Việc này phải hỏi Phòng GD&ĐT huyện, vì đây là chuyên môn của họ”.
Tác giả: Trung Thi
Nguồn tin: Báo Dân trí