Văn phòng Chính phủ ngày 23/1 thông tin, Thủ tướng đã phê duyệt hai đề án giáo dục là đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 và nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025.
Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhằm tạo chuyển biến về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất lao động sau khi ra trường. Để làm được việc này, đề án đặt mục tiêu 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, cả về chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
Học sinh thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016. |
Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ. 100% cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó 10% được kiểm định bởi các tổ chức nước ngoài có uy tín. Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định.
Một mục tiêu khác được đặt ra trong đề án là phấn đấu có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 đại học tốt nhất châu Á; 10 cơ sở lọt top 400 trường đại học tốt nhất châu Á; 4 cơ sở được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Năm 2018, Việt Nam có 2 trường vào danh sách 1.000 đại học ưu tú nhất toàn cầu là Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội. 7 trường đại học nằm trong danh sách 500 đại học tốt nhất châu Á do QS World University Rankings bình chọn.
Để hội nhập quốc tế, đề án hướng tới tất cả cơ sở giáo dục đại học khai thác và sử dụng chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các trường đại học có uy tín trên thế giới. Trên 50% cơ sở giáo dục đại học sẽ sử dụng toàn bộ hoặc tích hợp một phần nội dung chương trình đào tạo và giáo trình của nước ngoài vào các chương trình đào tạo của nhà trường...
Việc đẩy mạnh tự chủ, đổi mới quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo giáo viên ưu tiên một số trường đại học sư phạm trọng điểm... cũng là những mục tiêu được đề ra. Tương lai, Việt Nam sẽ có một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học; các làng đại học quốc tế để thu hút cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín tham gia đào tạo, nghiên cứu.
Với đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, mục tiêu đặt ra là tới năm 2020 có ít nhất 70% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.
Toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tới đây sẽ được bồi dưỡng nâng cao năng lực tương ứng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng... Từ năm 2021 đến 2015, các giáo viên, quản lý cơ sở giáo dục mầm non từng bước tiếp cận với trình độ của giáo viên nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress