Trong nước

Ưu tiên thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu

Ngày 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023.

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định. Chính phủ đã chủ động giải quyết, ứng phó những vấn đề mới phát sinh, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, người dân. Đáng chú ý, 7 tháng ước xuất siêu 16,5 tỉ USD; tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2022.

Các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới nhưng thị trường tiền tệ, chứng khoán của nước ta cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi tích cực, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Công nghiệp tiếp tục đà phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,9% so tháng trước. Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng 10,4%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp ngày 5-8 Ảnh: NHẬT BẮC

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, khó khăn: Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép, tăng trưởng tín dụng thấp, hấp thụ vốn còn yếu, tiếp cận vốn vẫn khó khăn. DN tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều vướng mắc. Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm, dẫn đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm.

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu trong những tháng cuối năm 2023, trọng tâm chỉ đạo, điều hành là ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thủ tướng cũng nhấn mạnh chưa thay đổi mục tiêu về tăng trưởng, nên trong 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng khoảng 9% (mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5% - PV).

Thủ tướng đặc biệt lưu ý 6 nội dung trong chỉ đạo, điều hành, gồm: Bảo đảm cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá; ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa như tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đẩy mạnh đầu tư công; bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia; rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại cơ chế, chính sách, để có giải pháp phù hợp thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Cần có giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, liên vùng; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công - tư; tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ DN tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khởi công bằng được nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8-2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc hướng dẫn định giá đất trước ngày 15-8. Bộ Tài chính đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; tiếp tục xử lý thực chất, hiệu quả các tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, lưu ý bảo đảm đủ sách giáo khoa với giá phù hợp cho học sinh.

Thách thức lớn với giáo dục đại học

Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ trong chiều cùng ngày về việc không tăng học phí năm học 2023 - 2024 khiến nhiều trường đại học (ĐH) than khó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết thời điểm hiện nay, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ khi học phí với giáo dục ĐH chiếm từ 80%-90% nguồn thu. Giáo dục ĐH có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.

Nguồn lực cho giáo dục ĐH đặt ra không ít thách thức. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực bảo đảm chi thường xuyên cho giáo dục ĐH, đồng thời đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường ĐH trong bối cảnh khó khăn, giống hỗ trợ DN.

Tác giả: MINH PHONG

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP