Sau khi các trường phổ thông tại Hà Nội thực hiện thành công phương án tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện đề án phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Theo đó, bên cạnh các trường trên địa bàn TP.Hà Nội tiếp tục áp dụng cả hai phương thức đăng ký tuyển sinh đầu cấp là trực tiếp và trực tuyến; các trường học tại TP.Hồ chí Minh cũng đang hướng đến tuyển sinh đầu cấp trực tuyến và tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Phụ huynh không còn "trắng đêm" xếp hàng
Đăng ký tuyển sinh trực tuyến giúp giảm tình trạng phụ huynh “trắng đêm” xếp hàng nộp hồ sơ cho con, ngày càng được nhiều phụ huynh lựa chọn và được đánh giá là dễ dàng thực hiện và tiện lợi.
Anh Bùi Ngọc Phúc, một phụ huynh tại Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Việc triển khai áp dụng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến là cần thiết, sau khi đăng ký cho con, tôi nhận thấy thực sự tiện lợi vì tiết kiệm thời gian giúp gia đình tôi, không còn phải chen chúc như trước đó”.
Tuyển sinh đầu cấp trực tuyến góp phần giảm những áp lực chen chân xếp hàng cho phụ huynh. |
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT đánh giá đây là một trong những “điểm sáng”, nên nhân rộng nếu hiệu quả cao: “Việc áp dụng công nghệ thông tin vào từng khâu, từng giai đoạn trong giáo dục góp phần hiện đại hóa giáo dục. Đối với tuyển sinh đầu cấp trực tuyến,, nếu có thể làm được một cách thuận lợi thông qua các thiết bị, máy móc, là điều đáng hoan nghênh.
Thực tế, nếu có trang thiết bị đầy đủ và đủ điều kiện để thực hiện được thì đây đúng là một phương pháp tốt cho tuyển sinh đầu cấp. Các bậc phụ huynh sẽ tiết kiệm được phần nào thời gian, công sức trước mỗi giai đoạn chuyển cấp của học sinh”.
“Việc hướng đến tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính để tuyển sinh đầu cấp cũng là một sự thay đổi tích cực. Học sinh làm bài thi trên máy tính sẽ có những bộ đề ngẫu nhiên, hạn chế tình trạng gian lận, đồng thời, kết quả lưu trên máy cũng bảo đảm tính minh bạch hơn.
Áp dụng các phương pháp sử dụng công nghệ thông tin, mang lại lợi ích một cách tiện lợi, đó là hướng phát triển đúng, tuy nhiên phải trang bị đầy đủ thiết bị, nếu chỉ đưa ra phương án mà không trang bị thì rất khó để thực hiện”, ông phân tích.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đây là những đổi mới thiết thực cần nhân rộng mô hình, tuy nhiên, trước hết, với những tỉnh, thành chưa được đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cần được ưu tiên trang bị các thiết bị, máy móc. Trước đó, cần có sự điều tra, khảo sát thực tiễn tại các cơ sở giáo dục địa phương về tình hình và khả năng đáp ứng trang thiết bị phục vụ tuyển sinh trực tuyến”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính nếu có thể thì nên áp dụng, nhân rộng để có sự khách quan, minh bạch. |
Bắt nhịp cách mạng công nghệ
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cũng cho rằng: “Việc áp dụng tuyển sinh đầu cấp mang lại những lợi ích nhất định cho phụ huynh học sinh, tiết kiệm được thời gian và công sức, giảm bớt hình ảnh những phụ huynh chen chân xếp hàng đăng ký cho con học mẫu giáo, học lớp 1, lớp 6…
Bên cạnh đó, tuyển sinh trực tuyến có thể cung cấp thông tin một cách minh bạch, rõ ràng, góp phần giảm tiêu cực trong khâu đăng ký”.
“Một số phụ huynh chưa thành thạo với các phương tiện kỹ thuật, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của dịch vụ công trong trường phổ thông, đăng ký tuyển sinh trực tuyến hộ. Tuy nhiên, nếu sinh ra dịch vụ này, chỉ nên thực hiện trong trường, không nên để các cơ sở bên ngoài lợi dụng làm dịch vụ với giá cao, khó kiểm soát”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hạnh, áp dụng mô hình tuyển sinh đầu cấp trực tuyến và tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính là một trong những “bước đệm” cần thiết để nâng chất lượng tuyển sinh, góp phần đưa giáo dục Việt Nam “bắt nhịp” với cách mạng công nghệ 4.0.
Theo quy trình, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã thành lập Tổ công tác chỉ đạo và hỗ trợ công tác tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019 - 2020 trên địa bàn.
Trong thời gian tuyển sinh, lãnh đạo các trường phải phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực để hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn thắc mắc, tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh.
Kết thúc tuyển sinh, các trường phải lập danh sách học sinh đã tuyển thông qua hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến, gửi kết quả tuyển sinh cho UBND phường, xã, thị trấn và báo cáo với phòng GD&ĐT.
Trong giai đoạn tiếp theo, giáo dục hướng đến “bắt nhịp” với cách mạng công nghệ 4.0, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ thông tin với những nội dung như: Lớp giao tiếp gồm các ứng dụng công nghệ giúp học sinh, giáo viên, các bộ quản lý, phụ huynh học sinh…giao tiếp với nhà trường thông qua website trường học, mạng xã hội và các công cụ trực tuyến, thư điện tử.
Đặc biệt, từ đề án này, xây dựng lớp dịch vụ công trực tuyến cung cấp các ứng dụng để người dùng có thể thực hiện các dịch vụ về giáo dục với nhà trường qua mạng internet. Một số dịch vụ công có thể áp dụng trong trường phổ thông như sau: Dịch vụ giúp phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp, thông tin về quá trình học tập, đăng ký các hoạt động ngoại khóa…
Năm 2019 là năm thứ tư sở GD&ĐT Hà Nội triển khai hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 trên toàn Thành phố. Theo số liệu thống kê, trong 2 năm từ 2016 đến 2018, TP.Hà Nội đã triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến đầu cấp vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp năm 2018 tăng so với các năm. Cụ thể, năm 2016 đạt 55,7%, năm 2017 đạt 70,6% và năm 2018 đạt 78,5%. Trong đó, riêng năm 2018, khối mần non đạt 86,24%, khối lớp 1 đạt 86,75% và khối lớp 6 đạt 66,93%. |
Tác giả: Cẩm Mịch
Nguồn tin: Báo Người đưa tin