Giáo dục

Tuyển sinh 2018: Không còn tâm lý “chạy theo đám đông”

Khác với các năm trước, khối ngành kinh tế luôn là lựa chọn hàng đầu của thí sinh, năm nay, từ các số liệu thống kê, có thể nhận diện xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh năm nay đã thay đổi, không còn chạy theo tâm lý đám đông.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kì thi THPT quốc gia sẽ chính thức bắt đầu. Hiện các sỹ tử lớp 12 đang ráo riết ôn thi. Theo Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2018 là 925.964 thí sinh. Năm 2018 sẽ có: 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH-CĐ là: 688.610. So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi khoa học xã hội tăng hơn khoảng 5%...

Không còn theo tâm lý đám đông

Bộ GD-ĐT cũng công bố rất rõ chỉ tiêu theo nhóm ngành và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành. Trong số 7 khối ngành, khối VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng) có tỷ lệ chọi cao nhất, 7,88 nguyện vọng trên mỗi chỉ tiêu. Khối ngành VII có 783.703 nguyện vọng xét tuyển, trong khi chỉ có 99.439 chỉ tiêu đại học.

Tiếp đó là khối III (ngành kinh doanh, quản lý và pháp luật) có số lượng nguyện vọng xét tuyển cao nhất là 832.684 nguyện vọng, trong khi chỉ có 121.183 chỉ tiêu đại học. Khối ngành VI (ngành sức khỏe) với 215.173 nguyện vọng với 31.331 chỉ tiêu đại học…

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ thí sinh đăng ký 3 nguyện vọng nhiều nhất, chiếm 18%. Cá biệt, năm nay có thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhất, lên đến 50 nguyện vọng. Vẫn theo bà Phụng, năm nay nguồn tuyển tăng, tổng chỉ tiêu cả nước tăng 1,2%. Điều đó cho thấy tuyển sinh đã khá ổn định ngay cả trong điều kiện có sự thay đổi (giảm chỉ tiêu sư phạm, tăng đầu vào sư phạm, để các trường tự xác định điểm sàn, trừ điểm sàn sư phạm).

Khác với các năm trước, khối ngành kinh tế luôn là lựa chọn hàng đầu của thí sinh, năm nay, từ các số liệu thống kê, có thể nhận diện xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh năm nay đã thay đổi, không còn chạy theo tâm lý đám đông. Cụ thể, sau lộ trình 3 năm các trường được tự chủ xác định tổ hợp tuyển sinh, năm 2018 không còn quy định bắt buộc chỉ tiêu tối thiểu để xét tuyển cho các tổ hợp truyền thống nữa. Tuy nhiên, theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, về cơ bản các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Tương tự như năm 2017, năm nay tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00: Toán, Lý, Hóa (gần 31%); D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (27%); A01: Toán, Lý, Anh (12,8%); B00: Toán, Hóa, Sinh (9,5%); C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (10%).

Thí sinh đã thực tế hơn trong lựa chọn ngành nghề (ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển và quy định “các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo”. Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít: có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có khoảng 100 tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn. Vì vậy, có thể thấy không phải cứ nhiều tổ hợp sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số của 3 mã tổ hợp A00, A01 và C00 đã chiếm đến gần 1,5 triệu nguyện vọng (gần 57%). Như vậy, các tổ hợp xét tuyển và nhóm ngành thí sinh lựa chọn tương ứng với các ngành nghề mà nhu cầu nhân lực trong tương lai đang rất cần như: dịch vụ xã hội, khách sạn- du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến… và đã tăng hơn so với năm 2017.

Khó… bất chấp

Trước vấn đề được dư luận quan tâm, đó là một số trường sử dụng “tổ hợp lạ” (như xét tuyển môn văn vào những ngành khoa học kỹ thuật) để tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, chỉ rất ít trường đưa ra tổ hợp này. Nhưng sau khi Bộ GD-ĐT nhắc nhở, báo chí lên tiếng thì các trường đều đã thay đổi tổ hợp. Đến nay không còn trường nào còn “tổ hợp lạ” mà dư luận đã phản ứng. Nhìn chung, 5 tổ hợp truyền thống vẫn chiếm khoảng 90% số thí sinh đăng ký. Theo bà Phụng, điều đó cho thấy những tổ hợp lạ không thể là cứu cánh cho các trường yếu kém tuyển sinh. Chính bản thân các trường cũng đã nhận ra sự thiếu sót của mình. Đó là thành công của dư luận, sự phát hiện của báo chí cùng cơ quan quản lý trong mùa tuyển sinh năm nay. Bởi lẽ hiện có tới 384 đơn vị xét tuyển, Bộ GD-ĐT không thể nắm hết, nên sự phát hiện của báo chí là rất quan trọng.

Trả lời câu hỏi, tại sao năm nay Bộ GD-ĐT để các trường tự xác định ngưỡng đầu vào (điểm sàn), theo bà Phụng đó là nhằm bảo đảm quyền tự chủ thực sự của các trường. Mặc dù cũng có nhiều nỗi lo các trường sẽ xác định điểm sàn thấp và thực tế cũng đã có một số trường đưa điểm sàn vào đề án tuyển sinh với mức điểm thấp. Thế nhưng, sau khi dư luận lên tiếng, Bộ GD-ĐT nhắc nhở thì các trường đã dừng lại. Điểm sàn sẽ chỉ được công bố khi có điểm thi.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, trước mùa xét tuyển năm nay đã có một số dấu hiệu bất thường, tuy nhiên đã được chấn chỉnh kịp thời. Bộ GD-ĐT hy vọng trong thời gian diễn ra xét tuyển sẽ không còn những hiện tượng đó. Tuy nhiên, dù Bộ ttin tưởng đa số các trường đi theo con đường phát triển bền vững, nhưng vẫn có một số trường vì tuyển sinh khó khăn đã bất chấp để tuyển. Vì thế Bộ GD-ĐT sẽ theo sát, đồng thời kêu gọi sự giám sát của báo chí, dư luận về vấn đề này, bảo đảm ngăn chặn những hiện tượng như sử dụng tổ hợp lạ, điểm sàn thấp...

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã trao đổi với các trường và họ đều thể hiện sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của xã hội. Sẽ không có chuyện các trường bất chấp để tuyển sinh. Còn nếu các trường bất chấp thì hệ quả rất lớn, các trường sẽ phải chịu như bị xã hội quay lưng, người học từ chối, nhà tuyển dụng không chấp nhận tuyển dụng sinh viên của trường”. Đó cũng là thực tế với tỷ lệ cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp hiện nay.

Tác giả: Uyên Na

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP