Giáo dục

Tuyển giáo viên: Đạo đức, trình độ xếp sau tiền, căn nguyên sai phạm?

Vẫn có những chuyện như muốn có 1 suất vào trường phải có vài trăm triệu. Khi ấy những yếu tố đạo đức, trình độ có khi phải đi sau... tiền.

Những ngày gần đây, xã hội không khỏi hoang mang khi liên tiếp diễn ra các vụ giáo viên xử phạt, bạo lực học sinh bằng những hình thức “xưa nay hiếm”.

Khi vụ việc cô giáo ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) yêu cầu học sinh tát bạn cùng lớp 230 cái đến mức nhập viện thì tại Hà Nội, Long An ngay sau đó cũng diễn ra các vụ bạo lực với học sinh.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.


Theo dõi các vụ việc này, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, đây là những hành động không thể chấp nhận, mang tính nhục mạ trẻ em. Cũng không thể nói những hình phạt mang tính “trung cổ” này xuất phát từ sự thiếu kỹ năng hay kiến thức sư phạm của giáo viên. “Ở trường sư phạm, họ đều đã được học hết những điều này. Tôi cho rằng do con tim, tấm lòng của họ chứ không phải kiến thức hay kỹ năng. Họ không có lòng nhân ái, yêu thương học trò. Vấn đề ở đây là đạo đức và nhân cách của giáo viên”.

Tuyển giáo viên nhìn… túi tiền

Từ những chuyện buồn của ngành giáo dục, đặt ra câu hỏi về vấn đề tuyển chọn đầu vào ngành sư phạm tại các địa phương hiện nay.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho biết, một khảo sát mới đây của Hội tâm lý giáo dục Việt Nam về vấn đề thực hiện quyền tự chủ trong các trường phổ thông tại 15 trường thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, TP HCM, Đồng Tháp. Khảo sát cho thấy, tất cả các trường đều không có quyền tự chủ trong tuyển dụng nhân sự. Mặc dù trong điều 58, Luật Giáo dục 2005 có nêu, nhà trường có quyền tuyển dụng, sử dụng, sa thải giáo viên, cán bộ, nhân viên… Song trên thực tế, các trường lại hoàn toàn không có quyền này, mà do các cơ quan khác đảm nhiệm.

“Đừng đổ lỗi tuyển dụng giáo viên chưa đủ chất lượng cho các trường vì họ không có quyền tuyển người. Trong chuyện tuyển giáo viên hiện nay, dù chưa có số liệu, bằng chứng cụ thể, nhưng tôi biết rằng để có công việc đi dạy, giáo viên phải mất nhiều tiền. Người ta không đánh giá năng lực, đạo đức mà chạy theo những lý do khác. Vì vậy, trong đội ngũ những người được tuyển có cả những người không tốt”, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ thẳng thắn chỉ rõ.

Nhiều áp lực từ nghề sư phạm

Để khắc phục những điểm tối của ngành sư phạm, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho biết, hiện nay Bộ GD-ĐT đã tiến hành nhiều hình phạt như kỷ luật, sa thải giáo viên nếu vi phạm đạo đức nhà giáo và vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đó cũng không phải là giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng này. Về lâu dài, trường sư phạm - nơi đào tạo giáo viên, phải chú ý hơn đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn giáo viên vào giảng dạy trong các nhà trường phải chú ý nhiều hơn đến phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm, dù việc đánh giá chuẩn đạo đức trong quá trình tuyển dụng là không dễ.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cũng không ủng hộ đề xuất phạt hành chính giáo viên. “Chủ trương này áp dụng trong giáo dục là phản cảm”, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề này, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho biết, khi tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước chủ trì hồi năm 2010- 2013 về các biện pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông, kết quả khảo sát cho thấy có 50% giáo viên trả lời sẽ không chọn nghề giáo nếu được lựa chọn lại.

“Lý do mà các thầy cô đưa ra là nghề giáo vất vả, chịu áp lực lớn từ học sinh, phụ huynh, các cán bộ quản lý cấp trên đến xã hội. Ngày nay, họ phải chịu thêm cả áp lực từ các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đội ngũ nhà giáo hiện nay trên 1 triệu thầy cô. Giả sử có khoảng 1.000 nhà giáo không đủ tư cách thôi và báo chí khai thác vào số đó cũng đã rất kinh khủng. Trong khi hàng vạn tấm gương nhà giáo tận tâm với nghề, tận lực với học sinh, báo chí có nêu thì xã hội cũng thấy bình thường. Nhưng chỉ cần vài vụ giáo viên tát học sinh như vừa qua, cả xã hội quan tâm, bức xúc. Nếu chỉ khai thác vào những mặt yếu, những “hạt sạn” như 2 trường hợp giáo viên nêu trên thì sẽ không công bằng cho đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Cho nên tôi rất chia sẻ với các thầy cô, với ngành giáo dục vì phải chịu quá nhiều áp lực từ dư luận xã hội”, PGS Vũ Trọng Rỹ chia sẻ.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho rằng, vì nghề nghề giáo có nhiều áp lực, nên cần tăng lương cho đội ngũ nhà giáo thỏa đáng. Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo ở hội nghị Trung ương 2 khóa VIII của Đảng, tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa thực hiện được./.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP