Xã hội

Tướng Lê Chiêm: "Dân TPHCM đổ xô về Long Thành mua đất"

“Dân TP Hồ Chí Minh đổ xô về Long Thành để mua đất. Cán bộ ký rất nhiều. Dân ở Long Thành không bao giờ ở được đất này đâu, dân Long Thành sẽ lên Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk ở, họ sẽ lên đây phát triển kinh tế. Còn đất này họ bán, cán bộ ta nhận hết rồi”, Tướng Lê Chiêm chỉ ra.

"Dân Long Thành không bao giờ được ở đất này đâu"

Tướng Lê Chiêm lo lắng: Đất Long Thành bán hết rồi, cán bộ ký hết rồi. (Ảnh: Việt Hưng)

Thảo luận tại tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng 27/10, theo Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm (ĐBQH tỉnh Kon Tum), mới nghiên cứu báo cáo đã thấy các con số “chạy”, “đợt trước con số khác, giờ con số khác”. Trong khi đây là dự án lớn, biết bao nhiêu vấn đề.

“Dân TP Hồ Chí Minh đổ xô về Long Thành để mua đất. Cán bộ ký rất nhiều. Dân ở Long Thành không bao giờ ở được đất này đâu, dân Long Thành sẽ lên Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk ở, họ sẽ lên đây phát triển kinh tế. Còn đất này họ bán, cán bộ ta nhận hết rồi”, Tướng Lê Chiêm chỉ ra.

Theo Thứ trưởng Lê Chiêm, Quốc hội phải cân nhắc lại và nghiên cứu kỹ quy trình. “Việc này phải giao Chính phủ đứng ra, phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Trung ương”, ĐBQH tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Ông lo ngại, nêu không sau này Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ tán thành 99%, Chính phủ làm theo hồ sơ trình ra thì rồi Quốc hội chịu khuyết điểm, mà “khuyết điểm của Quốc hội thì không có ông nào bị kỷ luật cả”.

“Giá ngay từ thời điểm và đến bây giờ đã chênh gần 50% rồi. Tôi nghiên cứu hồ sơ trước đây và hồ sơ bây giờ thì giá đã chênh nhau gần 50% rồi. Mà ai chịu cái này? Nhà nước mình chịu chứ ai chịu, rồi nhân dân gánh chứ ai gánh?”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh nêu thực tế từ tỉnh Hà Giang, khi làm dự án, đi vào đo đếm cụ thể, danh sách cụ thể, hộ trực tiếp sản xuất lại là hộ khác.

“Tôi sợ ở Long thành, cán bộ các cấp mua nhà ở đấy, còn người trực tiếp sản xuất ở đấy thì không phải là chủ đất”, ông Triệu Tài Vinh bày tỏ quan ngại và đề nghị làm rõ nội hàm hộ trực tiếp sản xuất với chủ đất, nếu không sau này khi thực hiện dự án lại vướng.

“Tiền đền bù không rơi vào hộ trực tiếp sản xuất mà rơi vào hộ có đất”, Bí thư tỉnh Hà Giang lưu ý.

2020 mới làm thì người dân bị ảnh hưởng kéo dài

Tại tổ TPHCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần cụ thể hơn nữa, trong đó chú ý tới những nguyên tắc và cơ sở triển khai thực hiện giống như dự án thu nhỏ cho toàn dự án. Việc này để tránh tình trạng đền bù giải toả tốn rất nhiều tiền, dự án chưa làm tới nhưng tiền đã chi vào đó rồi.

Ông Nghĩa đề nghị có sự chứng minh về tính hợp lý của hơn 1.000 ha đất quốc phòng để người dân được biết có tình trạng cho thuê làm sân golf hay không?

Trong khi đó, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê phản ánh tình hình mua bán đất đai đang rất sôi động ở khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành.

“Hiện trạng của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là kinh nghiệm thực tiễn để có bước nhìn xa hơn, không lại trở lại việc quanh khu vực sân bay này là cư dân nào đó cư trú, còn bà con ở vùng giải toả sẽ lại gặp khó khăn hơn”- ông Khuê nói.

Nhấn mạnh mục tiêu giúp bà con ở nơi giải toả phải có nơi ở mới khang trang hơn, ông Khuê đề nghị Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc thu hồi đất nhằm ngăn chặn việc lấy danh nghĩa dự án này để thực hiện chệch ra khỏi bản chất mục tiêu trong báo cáo này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân quan tâm tới phương án khai thác sử dụng quỹ đất chưa đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, dự án sẽ giải phóng mặt trên 5.000 ha chia làm 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 tới năm 2025 mới đưa vào sử dụng, khai thác khoảng 1.165ha. “Như vậy còn khoảng 4.000ha, giả sử đã đền bù giải phóng mặt bằng rồi thì sử dụng làm sao? Cũng phải lưu ý đất quốc phòng có 1.050ha thì đất quốc phòng đó có được quyền khai thác sử dụng hay không, vì đất quốc phòng là cấp thiết, nhạy cảm nữa”- ông Ngân đặt vấn đề.

Ông Ngân cũng đặc biệt lưu ý việc quản lý đất đai để tránh tình trạng tái lấn chiếm; việc quản lý quỹ đất cho thuê nếu không cẩn thận dễ gây phản cảm. Bênh cạnh đó, việc giám sát như thế nào cần được Quốc hội và hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai thực hiện theo từng đợt, từng năm.

Dẫn ra bài học từ việc thu hồi đất ở TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng từ khi có quyết định quy hoạch khu vực xây dựng sân bay Long Thành năm 2011 thì người dân địa phương đã không được xây dựng và thực hiện một số quyền của mình về sử dụng đất, nhà nước không đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá,...

“Tới năm 2020 mới bắt đầu thực hiện thì cuộc sống của người dân còn bị ảnh hưởng kéo dài. Người dân sinh sống tại đây vẫn lao động nông nghiệp là chính, đất nông nghiệp có vai trò rất quan trọng với họ, nên tái định cư cần tính tới cả đất nông nghiệp cho họ. Quốc hội cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề này, bởi không khéo sẽ lãng phí kép, như ở TPHCM khi thu hồi diện tích đất lớn thì ngân sách chi cho người dân học nghề nhưng cuối cùng họ vẫn không sống được bằng nghề đó”- bà Tâm dẫn chứng.

Tác giả: Quang Phong - Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP