Giáo dục

Từ việc giáo viên đứng “nhầm lớp” đến vấn đề thừa thiếu cục bộ

Thiếu giáo viên bộ môn Sinh – Hóa , nhà trường phải điều các giáo viên bộ môn khác sang quản lớp và để học sinh tự đọc sách giáo khoa khi đến tiết học của 2 bộ môn này.

Chuyện lạ ở Nghệ An: Cử giáo viên Văn 'đứng lớp' giờ Sinh học
Giáo viên Văn, Sử phải đứng lớp... dạy Hóa, Sinh
Bất cập thừa và thiếu giáo viên

Cô Đặng Thị Thanh là hiện đang là giáo viên duy nhất phụ trách môn Sinh – Hóa của trường.

Đây là thực trạng tại trường THCS Diễn Lợi (Diễn Châu, Nghệ An). Hiện Phòng GD&ĐT huyện cho biết đã lên kế hoạch điều giáo viên dạy Sinh - Hóa ở các trường lân cận về tăng cường cho Trường THCS Diễn Lợi.

Thiếu giáo viên, trường đủ mọi cách xoay xở

Cô Lê Thị Vinh là giáo viên dạy môn Văn học của Trường THCS Diễn Lợi, nhưng thời gian qua thỉnh thoảng được điều sang quản học sinh lớp 9C học môn Sinh học. Không có chuyên môn, nên cô Vinh chỉ giữ trật tự, và nhắc học sinh đọc, tìm hiểu kiến thức trong sách giáo khoa.

Ngoài ra, một số giáo viên dạy Thể dục cũng được bố trí để lấp vào các tiết Sinh – Hóa trống giáo viên, quản lý lớp. Tình trạng này khiến nhiều học sinh lo lắng vì “Năm nay đã là năm cuối cấp, nếu không có giáo viên bộ môn giảng dạy thì chúng em không có người hướng dẫn học bài” - Em Trúc Linh chia sẻ.

Được biết, trước đây Trường THCS Diễn Lợi có 2 giáo viên Sinh – Hóa. Tuy nhiên, đầu năm 2016, một giáo viên nghỉ hưu và 1 giáo viên được điều chuyển sang dạy trường khác. Thay vào đó, tháng 3/2016 cô Đặng Thị Thanh được chuyển từ trường khác về Trường THCS Diễn Lợi phụ trách môn Sinh - Hóa.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi giáo viên không dạy quá 19 tiết/tuần, trong khi thời lượng tiết học Sinh – Hóa của trường gồm 28 tiết nên thiếu giáo viên.

Trước tình trạng đó, Trường THCS Diễn Lợi đã đề nghị với Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu tăng cường thêm giáo viên. Trong thời gian chờ đợi, nhà trường đành phải xoay xở bằng cách bố trí giáo viên bộ môn khác sang quản lý, phụ trách các lớp vào tiết Sinh – Hóa mà không có giáo viên chuyên môn dạy. Một giáo viên dạy Toán cũng được tập huấn nghiệp vụ để phụ trách môn Hóa học. Đồng thời, sáp nhập 3 lớp 9 lại thành 2 lớp.

Đến ngày 26/9, Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu mới điều thêm cô Nguyễn Thị Phương Na từ Trường THCS Thắng Minh về tăng cường dạy môn Sinh 1 tuần 6 tiết. Tuy nhiên, cô Na bị ốm và cắt phép nghỉ chữa bệnh, nên chưa lên lớp được buổi nào.

Trường THCS Diễn Lợi có 8 lớp nhưng có đến 21 giáo viên, thừa 5 giáo viên theo quy định. Giáo viên thừa nhưng chỉ ở các môn xã hội và còn các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Sinh – Hóa thì hiện chỉ có cô Thanh phụ trách.

Trong khi cô Thanh đang mang thai, sức khỏe yếu và sắp nghỉ sinh. Sự thiếu hụt nghiêm trọng giáo viên bộ môn Sinh hóa buộc nhà trường phải đưa các thầy cô bộ môn khác vào đứng lớp.

Ông Nguyễn Hữu Cầu - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Diễn Châu - cho biết: Về việc sáp nhập từ 3 lớp 9 xuống 2 lớp là đúng quy định mỗi lớp có tối thiểu 40 học sinh và tối đa là 45 học sinh (toàn trường có 78 học sinh lớp 9 - PV).

Riêng việc thiếu giáo viên Sinh học là điều mà phòng đã dự báo trước và trên thực tế đã điều một giáo viên ở trường THCS Thắng Minh về để dạy cho học sinh.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, cô giáo mới điều về đang đi điều trị nên chưa dạy được cho học sinh. Việc ban giám hiệu Trường THCS Diễn Lợi bố trí giáo viên bộ môn khác đứng lớp tiết Sinh – Hóa là sai quy định.

Nói về trách nhiệm bố trí, luân chuyển giáo viên các trường THCS trên địa phường, Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu cho biết sẽ có kế hoạch điều giáo viên dạy Sinh - Hóa ở các trường lân cận về tăng cường cho THCS Diễn Lợi.

Trường THCS Diễn Lợi đang vừa thừa vừa thiếu giáo viên


Bất cập từ việc thừa thiếu giáo viên cục bộ

Trên toàn huyện Diễn Châu ở bậc THCS đang thừa khoảng 200 giáo viên, tập trung chính ở các môn Toán, Văn, Lịch sử. Trong khi đó, lại thiếu các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghiệp, thiếu nhân viên thư viện, thiết bị…

Cũng vì thừa - thiếu giáo viên cục bộ này nên 8 năm nay các trường không được tuyển thêm giáo viên. Số giáo viên thiếu, xử lý bằng hình thức: để giáo viên cùng lúc dạy 2 – 3 trường.

Hoặc sắp xếp để các giáo viên dạy gần với chuyên môn, ví dụ cho giáo viên dạy Toán dạy thêm một số tiết môn Lý, hoặc giáo viên dạy Sử dạy thêm các tiết về Giáo dục công dân.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa giáo viên là do quy mô trường lớp giảm và năm học 2016 – 2017 này là năm số lớp giảm xuống thấp nhất.

Thống kê cũng cho thấy, nếu như 10 năm trước, học sinh THCS trên toàn huyện Diễn Châu mỗi năm có đến hơn 30.000 học sinh thì nay con số này chỉ khoảng 16.000 học sinh.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2016 – 2017, bậc THCS còn dư 835 giáo viên. Nếu tính cả số giáo viên UBND huyện hợp đồng thì tổng số dư là 1.315 giáo viên.

Ngoài ra, ngành đang “gánh” thêm 431 giáo viên đã bố trí làm việc ở trung tâm học tập cộng đồng nhưng nay trở lại làm giáo viên. Tình trạng dôi dư cục bộ cũng xảy ra ở các huyện khác như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…

Ngoài ra, do nhiều năm trước ở nhiều địa phương, tuyển dụng giáo viên ồ ạt, không tính tới việc tăng giảm quy mô trường lớp.Thống kê mới đây cũng cho thấy, trên toàn tỉnh, có hơn 1000 giáo viên tuyển dụng sai, trong đó tập trung chủ yếu ở bậc THCS.

Để giải quyết vấn đề dôi dư giáo viên, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 30 về tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng trong các cơ quan đơn vị;

Yêu cầu các huyện rà soát để chấm dứt hợp đồng lao động đối với các cá nhân mà đơn vị không có nhu cầu, không có nguồn thu. Bên cạnh đó, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã xây dựng đề án giải quyết giáo viên, nhân viên dôi dư.

Từ năm học 2015 – 2016, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương chuyển giáo viên Tiểu học, THCS xuống giáo viên mầm non. Theo đó, trong năm 2016, đã có 54 giáo viên được chuyển công tác.

Năm học 2016 – 2017 này, gần 500 giáo viên cũng đang được đào tạo để xuống dạy bậc mầm non. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường bố trí giáo viên làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng, bố trí biệt phái đến công tác ở cấp học còn thiếu giáo viên…

Tác giả bài viết: Hồ Lài

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP