Những người 'dính chàm' vì gian lận thi cử ở Hòa Bình. |
Nêu quan điểm về vấn đề công bố danh sách thí sinh, bà Đinh Thị Hường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, trong công văn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng thống nhất chung trong anh em là khi có kết quả sẽ cập nhật lên phần mềm và thông tin đến cá nhân các thí sinh có liên quan và các trường ĐH, CĐ. Làm sao để thông tin đó đến đúng người cần.
Câu hỏi đặt ra là, có nên giữ kín danh sách 64 thí sinh này để xã hội cùng biết hay chỉ gửi cho các bên liên quan?
TS Nguyễn Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nên công bố danh tính của phụ huynh (nhất là quan chức) để làm gương và răn đe kể cả những kẻ môi giới.
Cũng theo TS Vinh, việc công bố danh tính không phải coi là sự bôi nhọ đối với người được nâng điểm mà là sự răn đe cho hàng ngàn người khác có toan tính gian lận, để nền giáo dục sạch hơn và lấy lại lòng tin giáo dục.
“Cũng có thể chỉ cần nêu danh tính, công bố số điểm thi trước và điểm thi sau khi nâng lên là đủ, đó là minh bạch và cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp”- TS Vinh nêu quan điểm.
Có cần quy lỗi thí sinh không?
Vậy có đặt ra vấn đề quy lỗi thí sinh không khi dư luận cho rằng, thí sinh thi đại học đã đủ 17-18 tuổi. Mặt khác, việc nâng bài thi cao nhất lên tới trên 26 điểm thì không thể có việc thí sinh không biết chuyện này?
Về vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chưa cần qui lỗi thí sinh có tham gia vào việc gian lận này hay không. Việc ấy là sự thật khách quan, có muốn chối bỏ cũng không được do năng lực của thí sinh đã được trả về đúng giá trị của nó qua kết quả thi.
TS Vinh cho rằng, cứ theo qui chế thi tuyển sinh mà làm cho đúng pháp luật. Có điều nào ghi cố tình hay vô tình gian lận điểm thi hay không để xử lý theo qui định. Kể cả những người để xảy ra lỗi vi phạm gian lận cần được xử lý để làm gương bất kể người đó là ai..
TS Vinh cho rằng, trong vụ việc này cần quy trách nhiệm với Ban Chỉ đạo là việc đương nhiên: “ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhận thiếu sót nhưng người giúp việc cho bộ trưởng không chu đáo thì cũng nên kiểm điểm trách nhiệm để khỏi có sự việc tương tự xảy ra.
Với việc làm sao “đòi” công bằng cho các thí sinh vì 65 thí sinh này gian lận mà hết cơ hội vào đại học, TS Vinh cũng cho biết, hậu quả của việc này kéo theo hàng loạt các hệ quả tiêu cực khác và khó có thể lấy gì bù lại sự tổn thất về tinh thần, cơ hội cho các em bị trượt oan vì sự gian lận. Cái này tuỳ theo năng lực và nguyện vọng chính đáng của các em thôi, khó bù đắp lại lắm.
Tác giả: ĐỖ HỢP
Nguồn tin: Báo Tiền phong