"Nếu tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối". |
Mới đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến về Đề án dự thảo sửa đổi 6 luật thuế: Thuế giá trị gia tăng (VAT), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thuế TNCN (TNCN), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế tài nguyên và Thuế Xuất nhập khẩu của Bộ Tài chính, trước khi Bộ Tư pháp thẩm định, có sửa đổi một số nội dung so với những lần trước.
Bình luận về Đề án này, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, các luật thuế được đề nghị sửa đổi lần này mới có hiệu lực trong thời gian hơn một năm và nay lại được điều chỉnh cho thấy chính sách thuế không ổn định, thay đổi liên tục.
"Nhà đầu tư và người dân luôn mong muốn có môi trường kinh doanh ổn định. Nhưng dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế. Bởi chính sách luôn có sự thay đổi, điều chỉnh sẽ tác động không nhỏ tới môi trường đầu tư, kinh doanh", ông nhận định.
Việc sửa đổi, bổ sung cùng lúc 6 Luật về Thuế với một loạt những đề xuất tăng, từ thuế TTĐB, TNDN, TNCN đến VAT... Bộ Tài chính luận giải vì “cơ cấu lại một cách hợp lý nguồn thu,”,“sức khỏe con người”,“phù hợp với thông lệ quốc tế” và để đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, giảm thiểu những tác động bất lợi do quá trình cắt giảm thuế, hệ thống thuế Việt Nam cần điều chỉnh về một số chính sách thuế nội địa theo xu hướng chuyển dần từ thuế gián thu sang thuế trực thu.
Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, qua những nội dung của việc thay đổi chính sách thuế của Bộ Tài chính đưa ra làm cho mọi người cảm thấy mục tiêu là hướng tới huy động nguồn thu ngân sách nhà nước mà chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ông Long cũng cho rằng, thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm và có tác động rất lớn đối với sản xuất, đời sống kinh tế xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể.
"Mỗi sự điều chỉnh, sửa đổi lựa chọn chính sách đều có hai mặt - được và mất. Không có sự lựa chọn nào là tuyệt đối, chỉ có ưu điểm mà không có hạn chế. Khi đã lựa chọn phải nêu rõ những mặt được và những mặt chưa được và hiệu quả của nó bằng những bằng chứng xác thực và cụ thể", ông cho biết.
Ông cũng lưu ý, cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế và nên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW về tái cơ cấu ngân sách và giảm chi, tiết kiệm, không phải chỉ tăng thuế. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo, không kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng.
Vị chuyên gia dẫn số liệu cho thấy, mức thuế, phí hiện nay so với thu nhập đã là rất cao, theo Ngân hàng Thế giới, thuế, phí của Việt Nam chiếm 32%/GDP, trong khi đó khuyến cáo chỉ nên từ 18-20%/GDP. Nếu thu nữa bằng biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tác động không tốt tới sản xuất. Đặc biệt, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa.
"Tôi hoàn toàn thông cảm và hiểu trong bối cảnh nợ công tăng cao, bội chi ngân sách đang là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế nước nhà, nhu cầu đầu tư mới luôn đòi hỏi, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là trung bình thấp so với thế giới, tăng trưởng dưới tiềm năng,...", ông nhìn nhận.
Đồng thời cho rằng, đây là một bài toán rất khó, nhưng đối với Bộ Tài chính nếu chỉ đứng góc độ thu ngân sách trong quá trình tái cơ cấu ngân sách, để tìm giải pháp cân đối ngân sách, cách dễ nhất là tăng thuế. Tuy nhiên, nếu tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối.
"Do vậy, để tái cơ cấu nguồn thu, nếu chỉ dùng biện pháp tăng thu bằng cách tăng thuế thì rất khó lòng được công chúng chấp nhận. Cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống nợ đọng thuế, chống thất thu thuế,... Cùng với đó là những giải pháp về chi tiêu ngân sách, chống tham nhũng, lãng phí thất thoát, đầu tư công có hiệu quả,...", ông Long đề xuất.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí