Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất về đề xuất sửa đổi 5 luật thuế. Đáng lưu ý, trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính sửa đổi: "Bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế trừ các sản phẩm sữa".
Trong các đề xuất sửa đổi các luật thuế của Bộ Tài chính, vấn đề đánh thuế nước ngọt đang gặp nhiều ý kiến phản đối nhất từ các bộ ngành đến các chuyên gia và doanh nghiệp. |
Theo tính toán, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 5.005 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất về đề xuất sửa đổi 5 luật thuế. Đáng lưu ý, trong Luật thuế TTĐB, Bộ Tài chính sửa đổi: "Bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế trừ các sản phẩm sữa". Theo tính toán, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 5.005 tỷ đồng.
Ba bộ cho ý kiến, đồng thời phản ứng với dự kiến điều chỉnh thuế của Bộ Tài chính như Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cùng nhiều hiệp hội, ban ngành khác.
Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng, về mặt lý thuyết, việc áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, sắc thuế này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu lợi nhuận, từ đó, khiến nguồn thu của Nhà nước từ các loại thuế khác như giá trị gia tăng VAT, thuế doanh nghiệp và phần nào là thuế thu nhập cá nhân bị sụt giảm.
Lấy ví dụ, như trường hợp ở Indonesia, ông Long cho hay, việc áp thuế TTĐB nước giải khát có ga đã khiến ngân sách nhà nước thâm hụt ròng 783,4 tỷ Rupi, khoảng 1.384 tỷ đồng.
TS Long cho rằng: "Tại Việt Nam, thời điểm Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga năm 2014, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ước tính rằng việc áp thuế TTĐB 10% lên đồ uống có ga không cồn có thể mang lại thêm 8,46 triệu USD cho ngân sách nhưng lại làm ngành nước giải khát thiệt hại khoảng 40,2 triệu USD và kéo theo khoản thiệt hại khoảng 12,1 triệu USD cho các ngành khác".
Vì những lý do trên, chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị: Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể về tác động của sắc thuế đối với ngân sách nhà nước để minh chứng cho hiệu quả của đề xuất này.
"Chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam", ông Long nói.
"Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của một số nước Đông Nam Á. Phương pháp này vừa giúp tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì", ông Ngô Trí Long đề xuất.
Ngoài ý kiến của TS Ngô Trí Long, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: "Thuế nước ngọt có thể sẽ không chỉ tước đi niềm vui của các em nhỏ nông thôn mà còn có thể làm chậm tiến trình xóa suy dinh dưỡng trẻ em".
Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa (mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có).
Các tác động đó có thể bao gồm ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và người nông dân trong một số lĩnh vực nông nghiệp.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí