Bức xúc trước thực trạng này, tác giả Đại Hiệp chia sẻ bài viết phản ánh thực trạng chung đang tồn tại khá lâu trong ngành giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Tiền Tết của giáo viên không phải là tiền thưởng cuối năm hay “tháng lương thứ 13” như các ngành khác, mà là tiền do nhà trường tiết kiệm hoặc thu nhập từ các nguồn phụ như căng-tin, giữ xe, lệ phí dạy thêm tại trường, phần trăm hoa hồng mua sắm, xây dựng, sửa chữa…
Số tiền này được phân phối, chia đều cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nên gọi là “tiền Tết”, “tiền trường... cho”.
Và là “tiền trường... cho” nên bao nhiêu cũng được, nhiều thì vui, ít thì buồn, giáo viên không có quyền đòi hỏi.
Việc đi thăm và tặng quà Tết ngày nay có nhiều biến tướng. (Ảnh minh họa trên baodatviet.vn)
Trường nào có nguồn thu phụ, hiệu trưởng và kế toán chi tiêu tiết kiệm hợp lý, biết quan tâm đến đời sống giáo viên thì tiền Tết của thầy cô có chút đỉnh.
Còn trường nào không có nguồn thu phụ, hiệu trưởng và kế toán không cân đối được thì giáo viên đành... ngậm ngùi đón xuân.
Tôi dạy trung học phổ thông 20 năm ở một ngôi trường miền núi tại miền Trung, mức tiền Tết cao nhất được nhận từ trước đến nay là 1 triệu đồng. Được biết nhiều trường tiền Tết còn ít hơn thế nữa.
Nhưng cũng có một số trường tiền Tết cao hơn 4-5 lần. Mức tiền Tết chênh lệch giữa các trường cùng trên một địa bàn đã làm cho không ít giáo viên so sánh, thắc mắc.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi... trường mỗi cảnh, tôi nghĩ giáo viên không nên so sánh làm gì. Đặc thù của ngành giáo dục là như vậy, mang tính nhân văn, công ích, phi lợi nhuận.
“Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa”.
Các địa phương cũng không thể hỗ trợ tiền Tết cho giáo viên vì số lượng giáo viên quá đông.
Có điều giáo viên ai cũng thấy, tuy tiền cho Tết giáo viên thì eo hẹp như vậy nhưng lãnh đạo nhà trường cuối năm vẫn đi “thăm Tết” cấp trên rất rộn ràng.
Năm nào cũng vậy, Ban giám hiệu đều sắp xếp một chuyến đi “thăm Tết” các lãnh đạo cấp trên, từ lãnh đạo huyện đến các trưởng phòng, giám đốc, các phó giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra còn đi thăm Tết giám đốc kho bạc huyện, kế toán Sở Giáo dục và Đào tạo và một số người “máu mặt” khác nữa.
Có người gọi đây là quy trình cảm ơn... ngược. Lẽ ra cấp trên phải cảm ơn cấp dưới đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhờ đó mà những chủ trương của cấp trên mới được thông suốt, thực thi hiệu quả.
Gọi là đi “thăm Tết” nhưng đâu chỉ là cành mai, tấm thiệp, chai rượu, hộp mứt? Phải là quà có giá trị lớn, kèm theo “phong bì”.
Đây hình thức “xã giao”, “đối ngoại”, “cảm ơn lãnh đạo”, “có qua có lại với nhau”, trở thành “lệ” trong các cấp, các ngành, trong đó có ngành giáo dục.
Thì ra mục đích thăm Tết là để “tình cảm đi trước”, muốn lãnh đạo quan tâm “đầu tư” cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc “nhẹ nhàng” trong kiểm tra, thanh tra, xét danh hiệu thi đua, đề bạt... thì lãnh đạo nhà trường phải biết “quan tâm”, lấy lòng lãnh đạo cấp trên trước.
Dẫu biết rằng sống ở đời “có qua thì có lại” nhưng đó là chuyện của lãnh đạo các cấp, còn giáo viên chúng tôi được gì?
Xã giao, lấy lòng lãnh đạo, không ai cấm nhưng sao các thầy cô lãnh đạo không tự bỏ tiền túi ra để lo mà dùng công quỹ của nhà trường?
Chi Tết cho giáo viên thì dè xẻn nhưng biếu quà Tết lãnh đạo thì sao Ban Giám hiệu rất “hào phóng”. Điều này đã có từ lâu và ở nhiều nơi đã trở thành “lệ” vào mỗi dịp Tết.
Lệ không đúng thì “phá lệ”. Ngành giáo dục cần có cuộc vận động nói không với nạn quà cáp biếu xén trong dịp Tết, thực hiện đồng loạt từ trên xuống dưới. Cấp trên quyết liệt, cấp dưới đố ai dám biếu!
Môi trường giáo dục lẽ ra phải công bằng, trong sáng, minh bạch hơn bất kỳ nơi nào hết. Mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, lãnh đạo trong ngành giáo dục cần làm gương trong vấn đề này để giáo viên nể phục.
Vừa qua, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành, địa phương “nói không” với quà cáp biếu xén, “phong bao phong bì”.
Hy vọng rằng ngành giáo dục sẽ hưởng ứng nghiêm túc và chỉ đạo quyết liệt, gương mẫu từ trên xuống dưới.
Có như vậy ngành giáo dục mới tạo được sự minh bạch trong cơ chế làm việc, sử dụng công quỹ đúng mục đích, tạo được uy tín trong nhà giáo và nhân dân.
Tác giả bài viết: Đại Hiệp
Nguồn tin: