Cơ sở của tình cảnh vừa tất tả lại tốn kém này là năm nay, trường mầm non con chị đang theo học không mở lớp giữ trẻ cận Tết như các năm trước.
“Mọi năm nhà trường có thăm dò nhu cầu gửi trẻ những ngày gần Tết của phụ huynh và đều mở lớp giữ trẻ. Nhưng năm nay, cách đây cả tháng trường đã thông báo trường sẽ nghỉ theo lịch của ngành để phụ huynh chủ động sắp xếp”, chị nói.
Hầu hết các trường mầm non công lập ở TPHCM đều nghỉ theo lịch, không mở lớp cận Tết
Chị Phương cũng thăm dò một vài trường lân cận và cả các trường ở khu vực gia đình sinh sống nhưng không gặp trường công lập nào mở lớp. Một số trường tư đến tận 28 Tết mới nghỉ nhưng không nhận trẻ bên ngoài. Gửi con cho các điểm giữ trẻ gia đình thì không yên tâm nên chị đành đưa con về quê sớm.
TPHCM là nơi học sinh được nghỉ Tết 2017 nhiều nhất so với các tỉnh thành trong cả nước. Tính số ngày nghỉ thực tế, học sinh sẽ nghỉ tổng cộng 16 ngày (bao gồm các ngày cuối tuần). Cụ thể, đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm GDTX, học sinh bắt đầu nghỉ từ ngày 23/1 (tức ngày 26 tháng chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2 (tức mùng 9 tháng 1 âm lịch) và đi học lại bình thường vào ngày 6/2.
Con nghỉ Tết dài hơn lịch của bố mẹ nên rất nhiều phụ huynh, nhất là gia đình có con nhỏ mong chờ trường mầm non sẽ giữ trẻ thêm ngày. Nhưng năm nay, ghi nhận hầu như các trường mầm non công lập ở TPHCM đều “đóng cửa” theo lịch nghỉ của ngành, không mở lớp cận Tết.
Lý giải về việc này, hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 3 chia sẻ, việc mở lớp thêm vài ngày dịp gần Tết đòi hỏi rất nhiều thứ mà nhà trường khó theo nổi. Trước hết các trường phải cân nhắc nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, phải đảm bảo một số lượng nhất định mới đủ để mở lớp.
Cho dù việc giữ trẻ thời điểm này là theo thỏa thuận nhưng nhà trường cũng khó để thu với giá quá cao vì sẽ gây điều tiếng. Trong khi, cho dù chỉ mở một vài lớp nhưng cả bộ máy của trường từ ban giám hiệu, y tế, bảo vệ, bảo mẫu, lao công... đều phải hoạt động để đảm bảo an toàn cho trẻ chứ không riêng gì giáo viên.
Bà thẳng thắn: “Giá thu cao hơn ngày thường nhưng thật ra người làm công không được bao nhiêu. Có năm số lượng trẻ ít, khi chi trả tiền làm thêm những ngày cận Tết mà ngao ngán. Thậm chí nhà trường phải bỏ tiền túi ra biếu thêm giáo viên, nhân viên”.
Việc giữ trẻ vào những ngày này được xem là làm thêm nhưng thu nhập không đáng là bao, lại thêm cuối năm nhiều việc nên giáo viên cũng muốn nghỉ để thu xếp việc nhà. Đây là hoạt động tự nguyện nên giáo viên từ chối thì nhà trường cũng không thể bắt ép họ.
Cô Ngọc Anh, giáo viên mầm non ở Gò Vấp bộc bạch, hai năm trước cô nhận tham gia mở lớp cận Tết.Mấy ngày làm thêm, gác hết việc nhà, con cái đến 29 Tết là vắt chân lên cổ chạy lo dọn dẹp, mua sắm mà cô cũng chỉ được trả hơn 500.000 đồng... Nên năm nay, cô xác định ngay là mình sẽ không gia vào dạy lớp cận Tết.
Cô Ngọc bộc bạch, giáo viên mầm non ngày thường đã rất bận rộn, sáng đi tối về không có thời gian cho gia đình. Thời gian được nghỉ họ phải tận dụng để lo việc nhà, con cái. Chưa kể, các cô ở xa, Tết nhất cũng phải thu xếp về quê.
Thu cao thì khó, thu ở mức bình thường thì không bõ cho người làm công. Rồi khó khăn trong tổ chức lớp, vận động người tham gia... nên ngay từ sớm nhiều trường mầm non đã quyết định không mở lớp.
Phụ huynh TPHCM phải tự thân vận động trong việc giữ con trong kỳ nghỉ Tết của học sinh kéo dài hơn nửa tháng
Không chỉ các trường mầm non công mà các trường tư thục hoạt động cận Tết là theo kế hoạch năm học đã thỏa thuận với phụ huynh. Các trường cũng không tha thiết nhận trẻ bên ngoài vì tính ra chỉ một vài ngày, việc chăm trẻ mới gây khó khăn cho cho các giáo viên khi không quen tính cách, sinh hoạt của trẻ. Rồi việc nhận trẻ bên ngoài vào cũng khó kiểm soát về các dịch bệnh, an toàn... dễ “mất lòng” phụ huynh đang cho con theo học.
Cũng không nhiều trường ngoại khóa, các trung tâm kỹ năng sống mở lớp hoạt động giữ trẻ gần Tết do việc tổ chức phức tạp. Chỉ một số nơi mở thêm lớp nhưng ưu tiên học sinh đang theo học ở trung tâm.
Trường công "quay lưng", tư thì không mặn mà giữ trẻ dịp Tết, phụ huynh ở TPHCM phải tự thân vận động, tìm cách ứng phó trong việc trông giữ con trẻ vào những ngày bận rộn cuối năm.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: