Kết quả này dù chỉ là một khảo sát nhóm nhỏ với 800 mẫu cũng đủ khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình... Làm thế nào để không rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”?
(Ảnh minh họa: Tiền Phong) |
Vị đắng tình yêu học trò
“Ở trường/lớp cháu, nhiều bạn yêu nhau lắm!”, “Bây giờ, chuyện các bạn yêu nhau và đi quá giới hạn không phải là hiếm ạ”... Những chia sẻ này của các em học sinh bậc THPT và cuối THCS đã xác nhận một thực tế: Tình trạng quan hệ tình dục (QHTD) sớm ở tuổi học trò không phải là hiếm.
Gặp Đ.H.M, học sinh một trường THPT ở quận Đống Đa, Hà Nội vào giờ tan học buổi chiều, em cho hay: “Lớp con có khoảng 3, 4 cặp yêu nhau, một số bạn yêu ở ngoài trường. Trong lớp, các bạn cũng ôm ấp nhau. Hồi con học THCS, các bạn yêu còn nhiều và bạo hơn ở THPT. Giờ ra chơi, có bạn nữ còn dẫn bạn nam ở lớp khác về hôn nhau ngay tại lớp”.
T.H.V, một nữ sinh THPT ở Bắc Giang chia sẻ: “Khi yêu, hầu hết các bạn không thích học nữa, thường trốn học đi chơi. Nhiều bạn nam còn quay video khi làm chuyện ấy rồi đưa cho bạn thân xem. Những khi giận bạn gái, hoặc ghen tuông, bạn nam dọa tung video đó lên mạng”. Theo V kể, một số bạn lỡ có thai, bố mẹ đã phải cho nghỉ học để cưới. Thường mỗi năm lại xảy ra một trường hợp như vậy.
Chuyện học sinh phải bỏ học đi lấy chồng vì trót mang thai không còn là chuyện hiếm. Em P.Đ.C, học sinh trường THPT ở tỉnh Hà Nam cho hay: “Có bạn gần đến kỳ thi tốt nghiệp thì mang thai, khi thi xong phải cưới gấp. Hồi học THCS, một bạn cùng lớp em cũng vì thế mà phải bỏ dở việc học để lấy chồng. Có trường hợp bị sảy thai ngay giữa sân trường”.
Nói rồi, C chép miệng: “Quanh trường em, trong bán kính khoảng 3 cây số, có tới vài chục nhà nghỉ nên việc đi quá giới hạn không có gì khó khăn nếu các bạn muốn. Hơn nữa, các bạn có thể làm chuyện ấy ngay tại nhà riêng khi bố mẹ đi vắng mà ít bị nghi ngờ bởi ai cũng nghĩ bạn bè đến nhà nhau là bình thường”.
Không khó để nhìn ra hàng loạt hậu quả của việc yêu và QHTD khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường: Học hành sa sút, bỏ học để “cưới chạy thai”, đánh nhau vì ghen tuông, gây tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến tương lai và sức khỏe sinh sản (SKSS) sau này, có gia đình kiện cáo nhau vì chuyện yêu đương của con cái...
“Nhiều trường hợp vì tranh giành người yêu đã lôi kéo cả đối tượng bên ngoài trường để đánh ghen, dằn mặt nhau. Có bạn nữ bị đánh ghen đã bỏ học vì xấu hổ”, P.Đ.C cho hay.
Thiếu sự giáo dục giới và giới tính
Lý giải tình trạng học sinh yêu và QHTD sớm ngày càng gia tăng, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Vũ Thu Hà (Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, do chế độ ăn uống, sinh hoạt tốt hơn nên thể chất của trẻ phát triển, kéo theo độ tuổi dậy thì đến sớm nên nảy sinh nhu cầu về tình cảm, muốn tìm hiểu người khác giới.
Bên cạnh đó, các em còn chịu sự tác động từ nhiều chiều: thấy các bạn có người yêu, các em dễ bắt chước; sự tác động từ truyền thông, qua phim ảnh, MV ca nhạc, video... có cảnh “nóng”, từ tò mò rồi học theo, từ ảo thành thật, gây hậu quả khó lường.
“Ở nước ngoài, trẻ được giáo dục giới tính từ khi còn rất nhỏ. Tùy từng lứa tuổi sẽ có cách thức giáo dục phù hợp. Ở bậc mầm non, cấp 1, trẻ được giáo dục để hiểu biết về cơ thể, phòng tránh lạm dụng.
Cấp 2, trẻ được trang bị kiến thức về sự phát triển của cơ thể, các cơ chế có thể có con, mang thai khi quan hệ tình dục. Cấp 3, trẻ được học nhiều về phòng ngừa và giải quyết các vấn đề nảy sinh khi quan hệ tình dục”. - Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà |
Thực tế đang ở mức báo động là vậy, nhưng hầu hết các trường lại bỏ qua hoặc hiếm khi tổ chức các hoạt động về giáo dục giới và giới tính, tâm lý, sức khỏe sinh sản vị thành niên... Có chăng, chỉ dưới hình thức nhắc nhở chung các em trong giờ chào cờ hoặc tiết sinh hoạt lớp.
Em P.Đ.C cho hay: “Ở trường em, khi thầy cô giáo bắt được nhóm học sinh đang xem phim, video... “nóng” thì chỉ tịch thu điện thoại rồi xóa phim, video đó đi, hoặc báo về gia đình nhưng không có biện pháp mang tính lâu dài, hữu hiệu nào để xóa bỏ tình trạng này”.
Nhiều học sinh bày tỏ mong muốn nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa về tâm lý và sức khỏe sinh sản, giới tính với sự tham gia các chuyên gia trong những lĩnh vực này.
P.L, nữ sinh trường THPT quận Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ: “Nếu các buổi ngoại khóa đó tẻ nhạt, các bạn cũng chỉ ngồi nói chuyện riêng hoặc nghe lấy lệ. Thầy cô giáo khi nói với học sinh về vấn đề này cũng rất cần phương pháp trò chuyện hợp tâm lý lứa tuổi, nếu không sẽ trở thành phản tác dụng”.
Đừng lảng tránh, hãy đối mặt!
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đánh giá, việc giáo dục giới tính trong nhà trường chưa hiệu quả, cung cấp cho học sinh kiến thức về QHTD còn hạn chế. Các trường cũng có chuyên đề về giới tính và tình yêu tuổi học trò, nhưng nặng về lý thuyết.
Ông cho rằng: “Chúng ta phải đối mặt với vấn đề yêu và QHTD ở học sinh. Ngành giáo dục và các chuyên gia cần nghiên cứu để đưa vấn đề này vào chương trình giáo dục chính thống, cách làm phải gần gũi để học sinh ngấm hơn. Thầy cô phải lắng nghe và đồng hành với học sinh mới mang lại hiệu quả”.
Trong câu chuyện yêu và QHTD sớm ở lứa tuổi học sinh, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng. Anh Vũ Đình Côi ở Thanh Miện, Hải Dương chia sẻ: “Nếu con cái vướng vào yêu sẽ có những biểu hiện khác thường như chểnh mảng học tập, chải chuốt, ngắm vuốt nhiều hơn, mất tập trung…
Việc phát hiện không khó, cái khó là làm thế nào để con không sa đà vào chuyện đó. Cha mẹ nên gần gũi, phân tích để con hiểu vấn đề chứ không nên bắt ép hoặc can thiệp thô bạo. Với trẻ vị thành niên, sự sát sao của cha mẹ là rất cần thiết. Vì thế, cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, nhất là về học tập và các mối quan hệ của con”.
Trên thực tế, để ngăn con cái không đi quá giới hạn khi yêu, đa số phụ huynh ngăn cấm, quát mắng hoặc nói chung chung chứ không chỉ dẫn, định hướng cho con cách kiểm soát bản năng.
Em N.H.P, nữ sinh trường THPT của quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Dường như bố mẹ không có thời gian quan tâm đến tình cảm của con, thậm chí né tránh nhắc đến vấn đề này. Ngay cả khi em của con hỏi bố mẹ xâm phạm tình dục là gì, bố mẹ cũng nói lảng đi, nói đó là bị bắt nạt. Vì thế, chúng em chỉ có cách là tự tìm hiểu”.
Bà Vũ Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, đến tuổi dậy thì, trẻ có sự rung động với người khác giới là chuyện bình thường. Vấn đề là trẻ phải học được cách điều tiết tình cảm để không bị bột phát theo bản năng, đi quá giới hạn cho phép. Các kiến thức về giáo dục giới tính, SKSS vị thành niên đã có trong chương trình SGK nhưng các thầy cô vẫn giảng dạy mang tính hàn lâm, thiếu thực tế. Vì vậy, có thể học sinh học xong nhưng khi ra thực tế vẫn không hiểu gì.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà đưa lời khuyên: Để cảm xúc khi yêu không làm xao nhãng việc học tập và các hoạt động xã hội khác, các con phải có kiến thức về SKSS vị thành niên và sự phát triển con người.
Thứ hai, các con phải có khả năng giám sát, quản lý giới hạn của cảm xúc ấy. Thứ ba, phải có người hỗ trợ, giúp các con hiểu được rằng đó là vi phạm thuần phong mỹ tục. Ngoài ra, các con nên có những trải nghiệm trong cuộc sống cộng đồng và mục tiêu trong cuộc sống để không bị cảm xúc làm mất định hướng cuộc đời.
Về phía phụ huynh, hoàn toàn có thể quan sát để nhận biết những dấu hiệu bất thường của các con. Nếu thấy có sự thay đổi như xao nhãng, mất tập trung, phụ huynh có thể trao đổi với con. Cha mẹ không nhất thiết phải biết quá nhiều chuyện riêng tư của các con, hay kiểm soát điện thoại và mạng xã hội. Nếu gần gũi, hiểu và tin tưởng các con thì khi gặp phải vấn đề gì, chúng sẽ chủ động chia sẻ.
“Dù thế nào, bố mẹ cũng phải đồng hành với con. Trường hợp con có thai, dù quyết định để con lấy chồng, sinh con, bố mẹ cũng phải có kế hoạch cho con quay lại trường học sớm nhất có thể để sau này con có sự nghiệp riêng. Không thể vì câu chuyện cảm xúc mà các con có thể mất cả cuộc đời”, chuyên gia Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Tác giả: Ngọc Vũ
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV