Giáo dục

Trường học Đức không điểm số, không thời khoá biểu tạo kỳ tích ngoạn mục

Cách tổ chức lớp học không theo truyền thống, không ép vào điểm số và thời khoá biểu của một trường học ở Đức đang tạo nên những thành tưu nổi bật.

Anton Oberländer là một diễn giả trẻ đầy thuyết phục. Năm ngoái, cậu và nhóm bạn bị thiếu tiền trong một chuyến cắm trại tới Cornwall, thế là cậu xoay xở nói chuyện với người điều hành xe lửa quốc gia Đức giúp cho nhóm vài chiếc vé miễn phí.

Quá ấn tượng với những gì cậu trình bày, nhà ga thậm chí còn mời cậu trở lại để trình bày một bài diễn thuyết đầy cảm hứng với 200 nhân viên của mình.

Anton khi ấy mới 14 tuổi.

20160713070217 truong hoc khong diem so

Sự tự tin của những thiếu niên Berlin như Anton là sản phẩm của một cách giáo dục khá độc đáo, không theo cách tổ chức truyền thống.

Ở trường của Oberländer, không có điểm số cho đến khi học sinh được 15 tuổi, không thời khoá biểu và cũng chẳng có những hướng dẫn bài giảng.

Học sinh sẽ quyết định môn học nào mình muốn ở mỗi bài học và khi các em muốn làm bài thi.

Chương trình học của trường khi mới đọc lên sẽ là nỗi ác mộng của các bậc “cha mẹ trực thăng” (những người luôn kè kè bên con cái từng đường đi nước bước).

Lựa chọn môn học chỉ giới hạn với Toán, Tiếng Anh, tiếng Đức và Khoa học xã hội, được bổ trợ nhiều hơn với các khoá học phụ trợ, kiểu như “trách nhiệm”, “thách thức”. Học sinh ở độ tuổi từ 12 – 14 được đưa €150 ( khoảng 115 bảng Anh) và đưa tới một cuôc phiêu lưu mà các em phải hoàn toàn tự lên kế hoạch.

Một số em chọn chèo thuyền kayaking, những em khác thì đi nông trại. Anton đã đi trekking dọc bờ biển phía Nam nước Anh.

Triết lý ẩn sau sự đổi mới lại khá đơn giản: Trước sự đòi hỏi của thị trường lao động không ngừng thay đổi, điện thoại thông minh và internet làm biến chuyển cái cách mà những người trẻ tiếp nhận thông tin, Margret Rasfeld, hiệu trưởng nhà trường biện luận rằng, kỹ năng quan trọng nhất mà nhà trường trang bị cho học sinh là khả năng tự tạo cảm hứng và động lực cho bản thân.

“Hãy nhìn những em bé 3 – 4 tuổi. Các bé tràn đầy tự tin” - Rasfeld nói. “Thông thường, trẻ em không cần đợi phải đi học mới khởi đầu mọi thứ. Nhưng thật là kỳ khôi, hầu hết các trường học hầu như đều làm thui chột sự tự tin đó”.

The Evangelical School Berlin Centre (ESBC) - ngôi trường mà Anton theo học - đang cố gắng không làm gì hơn là tái tạo lại “thứ mà trường học thực sự là” – bà hiệu trưởng cho hay.

“Nhiệm vụ của một nhà trường tiến bộ là chuẩn bị cho các bạn trẻ đương đầu với thay đổi, hoặc tốt hơn nữa, là khiến các em sẵn long hướng tới sự thay đổi. Trong thế kỷ 21, trường học phải có nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ các tố chất cá nhân của học sinh”.

Để học sinh nghe giáo viên trong 45 phút và ép các em với các bài kiểm tra, theo Rasfeld, không chỉ đi chệch mục tiêu đòi hỏi của công việc hiện đại, mà còn là cách giáo dục thiếu hiệu quả.

"Không có gì thúc đẩy học sinh hơn là việc các em phát hiện ra ý nghĩa ẩn sau các môn học mà mình theo đuổi”.

Học sinh ở trường này được khuyến khích suy nghĩ đa chiều để chứng tỏ đã được trang bị các kỹ năng cần thiết. Chẳng hạn có thể lập trình game thay vì ngồi kiểm tra toán.

20160713070217 truong hoc khong diem so 1

Oberländer, người chưa bao giờ đi đâu khỏi nhà quá 3 tuần cho đến khi chọn thử thách ở Cornwall, nói rằng cậu học được nhiều tiếng Anh trong chuyến đi hơn cả vài năm ngồi học ở trường.

Hệ thống giáo dục liên bang Đức – nơi 16 bang được khuyến khích phát triển theo cách riêng – thường tuân thủ theo truyền thống “học miễn phí”.

Không giống như các mô hình đã “có tiếng” như Sudbury, Montessori hoặc Steiner, học viện của bà Rasfeld cố gắng hướng đến việc trang bị cho học sinh quyền tự quyết trong hệ thống kỷ luật nghiêm ngặt.

Học sinh lề mề, chậm tiếp thu trong giờ sẽ phải đến trường vào thứ Bảy để được bồi dưỡng thêm - một hình thức phạt gọi là “silentium”.

Theo hiệu trưởng Rasfeld: “Càng được tự do, các em càng phải làm việc một cách có hệ thống và trách nhiệm”.

Trong nhiều năm liên tiếp, ESBC đạt thứ hạng hàng đầu trong hệ thống các trường học 3 cấp phổ thông ở Đức.

Năm 2015, học sinh tốt nghiệp còn đạt mức điểm trung bình 2,0 thi abitur – hệ thống bài thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông của Đức, tương đương với điểm B (mặc dù trước khi vào trường, 40% các em đã được khuyên là không nên theo học chương trình này).

Khi mới được thành lập vào năm 2007, ngôi trường chỉ có 16 học sinh. Đến nay, con số đã lên tới 500, cùng danh sách chờ khá dài để được nhập học.

Hiện tại, nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn liệu mô hình này có thể “xuất khẩu” được sang các nước khác.

Ở Berlin, ngôi trường có thể thu hút các học sinh xuất thân từ những gia đình tương đối khá giả và cấp tiến.

Bà hiệu trưởng Rasfeld khẳng định trường tuyển sinh nhiều tầng lớp trong xã hội, với nhiều tôn giáo và chủng tộc khác nhau.

ESBC là một trong số 5.000 trường tư thục của Đức, mức học phí từ 800 đến 8. 000 USD/năm – được cho là “vừa phải”.

Rasfeld cũng thừa nhận tìm kiếm giáo viên thích nghi được với phương pháp dạy độc đáo của trường cũng khó khăn hơn việc tìm kiếm học sinh có thể theo học được phương pháp này.

Một phòng nghiên cứu cải cách giáo dục cũng đã được thành lập nhằm phát triển các học cụ cho các trường muốn theo đuổi phương châm giáo dục của ESBC.

Khoảng 40 trường học đang nghiên cứu đưa phương pháp này vào chương trình.

"Trong giáo dục, bạn chỉ có thể tạo ra thay đổi từ gốc rễ chứ không phải là những chỉ thị từ ngọn. Bộ Giáo dục cũng giống như con tàu chở dầu cỡ lớn, rất khó dịch chuyển. Cái chúng ta cần là những chiếc xuồng cao tốc có thể tiến nhanh và làm những điều khác với quan niệm truyền thống” – người phụ nữ đã ở tuổi 65, nhưng vẫn còn nhiều kế hoạch đầy tham vọng với mô hình giáo dục mới mẻ này nhìn nhận.

Tác giả bài viết: Song Nguyên (Theo The Guardian)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP