Giáo dục

Trường cấm học sinh nói tục khi sử dụng Face book

Nhằm mục đích giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường văn hóa lành mạnh đối với học sinh khi sử dụng mạng xã hội, từ đầu năm học 2017 - 2018, trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) đã giao cho Đoàn thanh niên nhà trường triển khai những yêu cầu đối với học sinh khi sử dụng Face book.

Từ đầu năm học 2017 - 2018, trường THPT Đông Sơn 2 đã tuyên truyền và áp dụng một số yêu cầu trong việc sử dụng mạng xã hội đối với học sinh (HS) của nhà trường.

Trường THPT Đông Sơn 2, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Cụ thể, những yêu cầu đối với HS trường THPT Đông Sơn 2 khi sử dụng Face book (FB):

(1) Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt (...). Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.

(2) Tuyệt đối không dùng FB để nói xấu bất cứ ai.

(3) Chỉ like Status (thích trạng thái) khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những Status có nội dung xấu, chủ nhân FB sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước Status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.

(4) Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc Status. Bởi vậy, viết Status phải rõ ràng.

(5) FB cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi like vào một comment (bình luận) nào đó, hoặc viết Status thể hiện tâm trạng của bản thân.

(6) FB không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên FB.

Những yêu cầu đối với học sinh trường THPT Đông Sơn 2 khi sử dụng Face book

Qua tìm hiểu thực tế tại trường THPT Đông Sơn 2, để việc tham gia sử dụng mạng xã hội FB đối với HS nhà trường có văn hóa, nhà trường đã giao cho Đoàn thanh niên triển khai đến các giáo viên chủ nhiệm về những lưu ý khi sử dụng mạng xã hội.

Thông qua các cuộc họp hội đồng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, các buổi sinh hoạt dưới cờ, Đoàn trường cũng đã tuyên truyền, phổ biến 6 yêu cầu nêu trên khi sử dụng FB đối với HS nhà trường.

Cô Trần Thị Phương Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Đông Sơn 2, chia sẻ: Qua tham khảo các quy định, phù hợp với lứa tuổi học trò, hơn nữa để tránh những hệ lụy không đáng có khi HS sử dụng mạng xã hội, nhà trường giao cho Đoàn thanh niên triển khai nội dung này.

Sau khi thảo ra những yêu cầu khi sử dụng mạng xã hội, nhà trường không ấn định, nhưng trong các cuộc họp hội đồng, họp giáo viên chủ nhiệm, sinh hoạt có tuyên truyền, phổ biến đến giáo viên chủ nhiệm. Trong quá trình áp dụng, có lớp tuyên truyền bằng miệng, có lớp thảo thành văn bản để các em dễ nhớ, dễ tiếp thu.

Cô Trần Thị Phương Thủy, Hiệu phó trường THPT Đông Sơn 2 chia sẻ với phóng viên

“Qua theo dõi một thời gian, đến nay, HS nhà trường không còn hiện tượng truy cập vào mạng xã hội để gây nguy hại. Các giáo viên nhà trường cũng có tài khoản FB truy cập để nắm bắt, theo dõi diễn của các em HS trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Chưa thấy có hiện tượng học sinh sử dụng FB làm ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, không có những bình luận hay chia sẻ về những vấn đề thiếu văn hóa”, cô Thủy cho biết.

Cũng qua nắm bắt của nhà trường, trong quá trình sử dụng FB của HS trường THPT Đông Sơn 2 thời gian qua đơn thuần chỉ để chia sẻ việc học tập, hỏi thăm thầy cô giáo, bạn bè...

“Sử dụng mạng xã hội như con dao hai lưỡi, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong học tập nhưng cũng có thể là nguyên nhân của những mâu thuẫn, hiểu nhầm dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Mặc dù từ trước đến nay chưa có hiện tượng tiêu cực; nhằm mục đích giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội đối với HS, nhà trường có giao cho Đoàn thanh niên triển khai những yêu cầu đối với HS”, cô Thủy thông tin thêm.

Sau khi nhà trường tiếp nhận những yêu cầu của Đoàn thanh niên đề ra thấy nội dung phù hợp nên triển khai, nhân rộng. Nhà trường đang xem xét, thăm dò xem việc thực hiện những yêu cầu cũng như tiếp thu phản ứng từ phía phụ huynh, HS như thế nào để có hướng điều chỉnh và xây dựng thành quy chế của nhà trường.

Thầy Hà Việt Phương, Bí thư Đoàn thanh niên trường THPT Đông Sơn 2, cho biết: Thực tế hiện nay, lớp trẻ nói chung và HS nói riêng sử dụng FB nhiều và cũng có một số những chia sẻ làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, tập thể nào đó. Trên cơ sở đó, Đoàn trường cũng đã triển khai một số lưu ý trong quá trình các em HS sử dụng FB.

Để học sinh sử dụng mạng xã hội lành mạnh, có văn hóa, nhà trường đưa ra những yêu cầu khi sử dụng Face book

Đó là những lưu ý xuất phát từ thực tế chung và một số đơn vị khác cũng đã triển khai và hơn hết là mong muốn HS nhà trường ý thức tốt hơn trong việc sử dụng mạng xã hội và góp phần giúp các em khi sử dụng mạng xã hội có ý nghĩa, có văn hóa hơn.

“Nội dung triển khai cũng mới được thực hiện nên chưa đánh giá được kết quả cụ thể và chưa thấy phụ huynh, HS phản hồi về vấn đề gì với Đoàn trường và Nhà trường. Những nội dung trên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền”. thầy Phương chia sẻ.

Theo cô Ngô Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2, trường THPT Đông Sơn 2, ở trên lớp tuyên truyền với các em những nội dung yêu cầu trên và mong muốn HS khi sử dụng mạng xã hội phải có văn hóa.

“Sau khi Ban chấp hành Đoàn trường có tuyên truyền một số lưu ý về sử dụng mạng xã hội, chúng tôi có phát động ở lớp. Bình thường, khi lên mạng xã hội, một số HS vẫn còn nói tục, chửi bậy nhiều. Nhưng sau khi thực hiện những lưu ý của nhà trường thì có những thay đổi rõ rệt và các em HS không còn chuyện nói tục, chửi bậy và đặc biệt là khiêu khích nhau trên mạng”, cô Hà chia sẻ.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP