Giáo dục

Trung Quốc cấm tiết lộ danh tính thủ khoa tuyển sinh đại học

Bộ trưởng Bộ giáo dục Trung Quốc cho biết từ năm 2018, nước này sẽ cấm tuyên truyền, tâng bốc thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia

Giữa tháng 5-2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Trần Bảo Sinh (Chen Baosheng) ra thông báo nước này sẽ cấm tuyên truyền về những sinh viên thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Được biết, kỳ thi năm nay rơi vào ngày 7 và 8-6.

Một thủ khoa đầu vào ĐH được vinh danh ở Trung Quốc năm 2015. Ảnh: Global Times

"Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc", bộ trưởng khẳng định trong một hội nghị quốc gia. Bên cạnh đó, ông còn đề cập đến việc cấm tuyên truyền về tỉ lệ nhập học ĐH ở từng địa phương.

Nhiều người suy đoán lệnh cấm xuất phát từ việc các trường trung học phổ thông, đại học sử dụng thủ khoa như công cụ quảng bá, kinh doanh và việc tuyên truyền quá mức mang đến quá nhiều áp lực cho học sinh lẫn phụ huynh nước này. Trong khi đó, những người khác coi đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tiến tới mục tiêu nền "giáo dục toàn diện" từng được đề ra nhiều năm nay nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, nói với Global Times rằng vấn đề then chốt đằng sau hình tượng hóa thủ khoa là do hệ thống giáo dục đang hoàn toàn bị dẫn dắt bởi một kỳ thi quốc gia. Ông cho rằng nếu bộ trưởng không xác định được mục tiêu và người thực thi, lệnh cấm dễ trở thành câu chuyện sáo rỗng".

Năm 2017, bốn sinh viên thủ khoa được một trường tổ chức lễ vinh danh khá "lố" khi các em ngồi trong chiếc xe hơi trang trí rèm hoa đỏ, theo sau là đoàn xe, ban nhạc và đội múa sư tử. Từ trong xe, các em vẫy tay chào mọi người trên đường như những ngôi sao thực thụ. Những buổi lễ như vậy đã vượt ra ngoài sự vinh danh tinh thần ham học, không chỉ thu hút sự ngưỡng mộ của người dân mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Nhiều tân sinh viên được tặng nhà, xe hơi, học bổng, đổi lại các em phải quảng bá thương hiệu cho các trường. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 70% các thủ khoa ký kết với các công ty, các trường để thương mại hóa thành tích của mình.

Về phía trường, sau khi vinh danh một học sinh thủ khoa trong kỳ thi quốc gia, một trường THPT tư thục sẽ quảng bá đội ngũ giáo viên và thế mạnh giáo dục riêng mình cho cộng đồng địa phương để nâng cao danh tiếng. Trường này sau đó sẽ dễ dàng thu hút được nhiều học sinh giỏi hơn và bắt đầu tăng học phí. Đối với các trường công, sở hữu thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia là thành tích hành chính nhằm báo cáo lên cấp trên.

Ngoài ra, hiện nay ở Trung Quốc, nhiều trường THPT lấy lòng của các phụ huynh với nhờ điểm số ĐH cao. Do đó, thực tế buộc các trường phải chú trọng vào điểm số, nếu không họ sẽ giảm nguồn thu.

Điều đáng chú ý là hiện tượng thần tượng hóa thủ khoa và kỳ thi tuyển sinh ĐH không chỉ có ở Trung Quốc, mà còn là truyền thống ở Hàn Quốc. Ở xứ kim chi, trong những ngày thi ĐH, các học sinh nhỏ tuổi thường đợi bên ngoài các điểm thi từ sáng sớm và dập đầu để cầu chúc may mắn đến với đàn anh.

Các nhà giáo dục Trung Quốc đang dề xuất giải pháp thay thế nhằm cải thiện hệ thống giáo dục nước nhà bằng cách tách biệt cuộc thi THPT và tuyển sinh ĐH. Theo đó, các trường ĐH nên tự xây dựng các bài kiểm tra và thành lập nhóm tuyển sinh riêng nhằm chọn lựa được thí sinh phù hợp.

Tác giả: Lê Thoa

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP