Giáo dục

Trải lòng của một thầy giáo trẻ chọn Sư phạm vì được... học miễn phí

“Bản thân tôi không hề thích ngành Sư phạm, chọn Sư phạm trong số những ngành dự thi do định hướng của gia đình. Với một gia đình nghèo, học Sư phạm sẽ tránh được một gánh nặng về kinh phí, công việc đầu ra dễ hình dung.”

Đó là chia sẻ thật lòng của thầy Trịnh Quỳnh (sinh năm 1989, giáo viên Văn học trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định).

Vào Sư phạm vì nhà nghèo…

Gần đây, dư luận xã hội có những câu chuyện "nóng" đầy trăn trở liên quan đến ngành sư phạm và nghề giáo viên. Là một giáo viên, tôi cũng muốn nói lên tiếng nói quan điểm của chính mình.

Bản thân tôi không hề thích ngành Sư phạm, chọn Sư phạm trong số những ngành dự thi do định hướng của gia đình. Với một gia đình nghèo, học sư phạm sẽ tránh được một gánh nặng về kinh phí, công việc đầu ra dễ hình dung. Thế giới của những người nông dân như ba mẹ tôi có lẽ chỉ dừng lại ở khoảng cách từ ngôi nhà đến trường học.

Trong suốt những năm học đại học bạn bè của tôi đã đi làm thêm bằng công việc gia sư, nhưng tôi lại cố gắng tìm kiếm đến những công việc khác, bằng mọi cách ra trường làm việc gì liên quan cũng được miễn không phải đứng lớp đi dạy. Khi tầm hiểu biết của tôi mở rộng tôi mới thấy công việc đi dạy rất nhàm chán, cả cuộc đời chỉ đóng khung trong khuôn viên của 1 trường học, 1 lớp học.

Người giáo viên phải dạy đi dạy lại 1 bài học qua các năm qua các lớp nhàm chán và tẻ nhạt hơn nhiều so với các nghề khác. Sau này khi vào nghề tôi còn biết thêm sự lặp lại máy móc những giấy tờ hành chính, thu nhập giáo viên cũng không thể so sánh với bất cứ công việc nào kể cả lao động phổ thông.

Duyên với nghề một lần nữa níu chân tôi vào một ngôi trường trung học. Tôi quan niệm cho dù mình làm một công việc không yêu thích mình cũng làm hết mình nếu không sẽ lãng phí quãng thời gian đó. Bản tính là người sáng tạo không chấp nhận sống trong những khuôn mẫu dựng sẵn, tôi đã có những biến hóa giờ dạy của mình khiến nó trở nên nhiều màu sắc hơn. Các giờ dạy không bao giờ lặp lại giữa các lớp giữa các năm. Tôi không muốn lãng phí những kiến thức đã được học trong trường lớp.

Thầy Trịnh Quỳnh thừa nhận từng không mấy thiện cảm với nghề nhàm chán và rập khuôn như Sư phạm.

Là một người thực tế, tôi chọn những gì phù hợp và thiết thực trong cuộc sống để dạy học sinh, các phương pháp hiện đại tôi lựa chọn để giảng dạy hoàn toàn không phải trình diễn mà phải tạo ra hiệu quả thực sự phục vụ trực tiếp cho giờ dạy của tôi.

Tôi nghĩ kiến thức tôi chỉ truyền đạt cho các em một phần nhỏ, sau này nhìn các em trưởng thành có những kỹ năng và nhất là thái độ sống tích cực tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Điểm số tôi có thể cho các em, nhưng những điều đó các em phải rèn luyện mới có được.

Tôi đã vượt qua những thử thách trong công việc. Nhiều người đã nhận xét rằng thầy chỉ giỏi với những phương pháp mới khi đó học sinh là trung tâm, hình ảnh người thầy bị lu mờ. Tôi cố gắng phát triển bản thân để có thêm những tiết dạy truyền thống có cảm xúc hơn.

Tôi đã kiên trì tập trung dạy đi dạy lại một bài trong nhiều năm cho đến khi cảm thấy chấp nhận được. Ban đầu khi mới đứng lớp tôi luôn mặc cảm về định kiến thầy già con hát trẻ, sau này tôi mới biết trẻ là một lợi thế bởi dễ thay đổi, dễ tiếp thu cái mới, giàu nhiệt huyết. Đến khi nhận ra điều đó thì tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm. Nhưng dù thế nào tôi cũng luôn khát khao chinh phục cái mới, nhìn nhận vấn đề tích cực, khai thác những gì thực tế giúp ích cho nhu cầu học tập của học sinh.

Tôi chưa bao giờ đặt ra mục tiêu trở thành một giáo viên online. Tôi lập ra trang fanpage Yêu văn học khi tất cả các giáo viên đều e ngại hoặc ngăn cấm học sinh tiếp xúc với mạng xã hội. Tôi chỉ thấy đó là một xu hướng người ta không thể chống lại một xu hướng học tập. Tôi tự hào đăng các sản phẩm của học sinh lên mạng, tôi chia sẻ các tài liệu để các em có thể tự học ở nhà, giảm áp lực về kiến thức phải dạy trên lớp, có thời gian cho những hoạt động rèn kỹ năng.

Tôi không ngờ được sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Ai cũng nghĩ môn văn chẳng có ai thiết tha nhưng tôi vẫn có một cộng đồng nửa triệu thành viên sau 4 năm thành lập. Tôi chỉ nghĩ rằng khi nhiều người yêu quý môn văn thì cũng nhiều người trân trọng người dạy văn. Tôi trao đi những giá trị thì giá trị của bản thân cũng được nâng lên.

“Con người làm nên sự cao quý của nghề nghiệp”

Tôi chưa bao giờ quan niệm nghề giáo viên là một nghề cao quý. Theo tôi, con người làm nên sự cao quý của nghề nghiệp chứ không phải nghề nghiệp làm nên sự cao quý của con người. Vì thế bất cứ nghề nghiệp nào cũng cao quý, bất cứ nghề nghiệp nào cũng có người thành công, người thất bại, người giàu, kẻ nghèo. Chỉ có một quy luật chung đó là những người thành công là những người đi đến tận cùng đam mê với nghề nghiệp ấy.

Với Nguyễn Tuân thì ngay cả một tên cướp cũng có thể trở thành nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Martin Luther King thì khuyên rằng: Người phu quét đường cần phải quét những con đường sạch tới độ các thiên thần trên thiên đàng lẫn con người nơi trần gian phải dừng lại và nói rằng: Anh là người quét đường vĩ đại, người đã làm thật tốt công việc quét đường của mình.

Dư luận có thể chia sẻ những câu chuyện không hay về giáo dục và tương lai của giáo dục, nhưng tôi vẫn có niềm tin vào bản thân và giá trị nghề nghiệp do mình mang lại. Dĩ nhiên trong cuộc sống có nhiều những giây phút mệt mỏi, chán nản những lúc ấy tôi lại nhớ đến lời một người thầy đã nhắc nhở tôi rằng: Hãy lấy niềm vui công việc làm niềm vui của cuộc sống. Có lẽ vì điều đó mà từ một người không mấy cảm tình với nghề giáo, tôi gắn bó và mến yêu hơn từ lúc nào không hay. Tình yêu bắt nguồn từ hành động, không phải bởi lời nói.

Tác giả: Trịnh Quỳnh (Giáo viên Văn trường THPT Lương Thế Vinh - Nam Định)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP