TPHCM vừa hoàn thành dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố. Đây là đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
TPHCM ban hành chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học – công nghệ |
Động thái này thu hút lực lượng chuyên gia khoa học, đội ngũ lao động sáng tạo trẻ đã được đào tạo, rèn luyện trong các môi trường ngoài khu vực công để bổ sung, tăng cường cho các cơ quan, đơn vị đang triển thực hiện những nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, quản lý Nhà nước về các điểm nóng, các vấn đề xã hội bức xúc.
Bên cạnh đó, chính sách này được xem là giải pháp “đòn bẩy”, tạo “cú hích” để cán bộ, công chức viên chức phấn đấu, cải thiện năng lực làm việc và tinh thần lao động.
Theo đề án, ngay khi được tuyển chọn, chuyên gia, nhà khoa học được trợ cấp 100 triệu đồng (đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hoặc thạc sĩ loại giỏi và có công trình nghiên cứu khoa học ở nước ngoài hoặc được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế). Các trường hợp còn lại được trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng.
Họ được hưởng mức thu nhập theo bảng lương Chuyên gia cao cấp (ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP) bao gồm: công lao động, chi phí đi lại, công tác, tiền công làm thêm giờ, đóng bảo hiểm xã hội...; khi thực hiện tốt nhiệm vụ sẽ được hưởng mức cao hơn 1 bậc so với hợp đồng ban đầu.
Ngoài ra, để khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thành phố sẽ phụ cấp cho chuyên gia, nhà khoa học 1% tổng kinh phí ngân sách chi cho nghiên cứu đề tài. Mức khuyến khích từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng.
Đối với công trình nghiên cứu có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, mức hỗ trợ không dưới 30 triệu đồng một người và tổng số tiền phụ cấp cho tổ chuyên gia lên đến 1,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ còn được hưởng phân chia lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ bố trí nhà ở công vụ cho chuyên gia nếu có nhu cầu; hoặc hỗ trợ đến 7 triệu đồng mỗi tháng tiền thuê nhà; hỗ trợ 50% thuế thu nhập cá nhân.
Đối với chuyên gia có quốc tịch nước ngoài, TPHCM hỗ trợ 100% chi phí thực hiện cấp thị thực; được hỗ trợ mang ngoại tệ vào Việt nam, chuyển đổi ngoại tệ ra khỏi Việt Nam (từ tiền lương, thương mại hóa sản phẩm trí tuệ và phụ cấp).
Dự kiến, vào tuần tới, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM sẽ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với đề án trên.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí